Ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Chiều ngày 19 tháng 12 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày và giờ của cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Lúc 20 giờ, ngày 19 tháng 12 năm 1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, đồng thời quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.

Sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết ngày 19 tháng 12 năm 1946) được phát đi khắp cả nước:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!
Đó là lời hịch cứu nước, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất; động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào lúc 20 giờ cùng ngày, bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của địch trong thành phố, quân và dân Thủ đô Hà Nội chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần "Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh". Lời kêu gọi được Đài tiếng nói Việt Nam phát đi, "Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ". Nhân dân Thủ đô không quản hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù. Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương… đến Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta đang ra sức phấn đấu thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh đất nước sau 35 năm đổi mới đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, nhưng bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống yêu nước và lịch sử vẻ vang, ý chí độc lập tự do, khí phách quật cường của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; khẳng định chủ trương phát động toàn quốc kháng chiến là quyết định đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần củng cố, bồi đắp thêm niềm tin của Nhân dân vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng. Khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí cách mạng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước. Nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nguyễn Đình Lộc