Đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ Hai, ngày 16 tháng 11 năm 2020 - 14:00 Đã xem: 5804

Đoàn kết là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa có chọn lọc, phát triển sáng tạo, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành khẩu hiệu nổi tiếng làm phương châm hành động: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Người nhấn mạnh: “Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố: Nền có vững nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi…”. Kế thừa quan niệm “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, Người coi sức mạnh lớn nhất là ở nhân dân, nếu đoàn kết được nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn nhất: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Quan điểm đoàn kết của Người là tập hợp đầy đủ các tầng lớp, đảng phái, các dân tộc, tôn giáo khác nhau, thậm chí cả nhưng người đã “lầm đường lạc lối” nhưng biết “ăn năn hối cải”, là quan niệm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đến giờ phút chuẩn bị từ giã cõi đời, Người vẫn luôn nhắc nhở và căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải gìn giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Thực hiện chỉ dẫn của Người, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ và xây dựng đất nước. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - Đại hội khởi đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta đã nhận thấy cơ sở của đoàn kết là lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân và đề ra các chính sách phù hợp. Trong các kỳ Đại hội tiếp theo, tư tưởng đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta khẳng định: đoàn kết và đại đoàn kết toàn dân tộc “là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng thời chỉ rõ những nguyên tắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đến Đại hội X của Đảng, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc được trình bày một cách cô đọng, đưa vào chủ đề Đại hội và được trình bày trong mục X của Báo cáo chính trị trình Đại hội với tiêu đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân”. Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”. Đại hội XII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo…”.

Trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được đề cập trong chủ đề Đại hội: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ốn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và được trình bày trong mục “XII. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân”.

Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn có một vị trí quan trọng, xuyên suốt. Tư tưởng đó đã được vận dụng và chứng minh bằng thực tiễn cách mạng từ khi có Đảng. Phát huy truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, nhân dân đã đồng tâm hiệp lực để tạo động lực chủ yếu cho sự phát triển đất nước, cơ sở của sự đồng thuận đó là sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong quá trình phát triển theo nguyên tắc các bên cùng có lợi. Đó cũng chính là cơ sở để duy trì, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

                                                                   Nguyễn Nhung

                                                            Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Xem tin theo ngày:   / /