Chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống bão lụt

Thứ Tư, ngày 2 tháng 12 năm 2020 - 10:01 Đã xem: 479

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm chăm lo bảo vệ tính mạng, tài sản, của cải cho nhân dân. Để đạt được mục tiêu đó, theo Bác, một trong những nhiệm vụ quan trọng là Đảng, Chính phủ phải làm tốt công tác phòng, chống bão lụt.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm chăm lo bảo vệ tính mạng, tài sản, của cải cho nhân dân. Để đạt được mục tiêu đó, theo Bác, một trong những nhiệm vụ quan trọng là Đảng, Chính phủ phải làm tốt công tác phòng, chống bão lụt. Người căn dặn: “cán bộ và đồng bào các địa phương không được chủ quan, mà phải ra sức chuẩn bị, sẵn sàng chống lụt, bão có thể xảy ra.”[i].

 Trong các bài viết: "Thư gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ về việc phòng và chống lụt, bão” (10/6/1957); “Cần phải chuẩn bị thật chu đáo, sẵn sàng đề phòng lụt, chống lụt” (16/6/1961), “Điện hỏi thăm đồng bào miền Nam bị bão lụt” (17/9/1968)… Người một mặt chỉ rõ tác hại của thiên tai, mặt khác, thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, động viên nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các tỉnh có hệ thống đê điều nói riêng hãy quan tâm đến công tác phòng chống bão lụt.  Ngày 22 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê (tiền thân của Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt Trung ương hiện nay). Tháng 8 năm 1969, trên các triền đê sông ở miền Bắc đã xảy ra một trận lũ rất lớn, mặc dù đang lâm bệnh nặng, Bác còn gọi đồng chí Bộ trưởng Thủy lợi Hà Kế Tân đến báo cáo tình hình và ân cần dặn dò, chỉ bảo động viên tổ chức giữ đê, bảo vệ dân, vượt lũ thắng lợi. Người nghiêm khắc phê bình những cá nhân, những địa phương chưa làm tốt công tác phòng chống thiên tai… Bên cạnh đó, Người cũng thường xuyên khen ngợi những cá nhân, những tập thể có thành tích về làm thủy lợi, chống hạn, chống úng, giữ đê tốt. Ngày 19/11/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 102/LCT, tặng 4 Huân chương Lao động hạng Ba cho nhân dân, cán bộ và lực lượng vũ trang tại các tỉnh Nghệ An, Nam Hà, Hà Tây và Thái Bình, vì đã có nhiều thành tích trong công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều và các công trình thuỷ lợi.

Hiện nay, nhiều chủ trương, dự án được thực hiện khá tốt và đang tiếp tục đi vào cuộc sống như: dự án đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn; phối hợp triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai và Luật Đê điều... Vừa qua, trước tình hình “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” kèm theo sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung với phạm vi rộng, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đang đe dọa đến tính mạng và sinh kế của người dân, Chính phủ đã xác định 6 nhiệm vụ cấp bách trước mắt và 7 nhiệm vụ căn bản lâu dài cần triển khai. Ngày 16-10-2020, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Ðảng gửi điện về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 5.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh… Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước thông qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương để chia sẻ và hỗ trợ nhân dân vùng lũ. Tính đến ngày 27/10/2020, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng tiền và hiện vật quy ra tiền được trên 265 tỷ đồng. Thậm chí, quân dân cả nước không quản ngại hi sinh tính mạng cho công tác cứu trợ nhân dân: 11 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế); 22 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, Quân khu 4 hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tiếp tục là minh chứng sống động cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” không ngại gian khổ, có mặt kịp thời ở những nơi người dân cần đến các anh để thực hiện sứ mệnh “vì nhân dân quên minh, vì nhân dân hy sinh”.

Đối với Tuyên Quang, thực hiện Thông báo số 01-TB/TU ngày 17/10/2020 của Thường trực Tỉnh ủy về việc phát động ủng hộ các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do bão lụt gây ra; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã có thư gửi các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh, ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lụt. Sau 12 ngày phát động, đến ngày 29/10/2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh – Ban Cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số tiền gần 3 tỷ đồng ủng hộ miền Trung ruột thịt. Nhiều hoạt động thiết thực lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, như gói bánh chưng; ủng hộ nhu yếu phẩm…

Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống bão lụt đạt được hiệu quả cao, giảm thiểu thiệt hại về người và của cho nhân dân, chúng ta cần chủ động thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, người dân Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản luật khác liên quan; tăng cường đưa tin về tình hình diễn biến thiên tai; phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, phòng tránh với bão, mưa lũ lớn.... Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo. Làm tốt công tác sơ tán nhân dân vùng bão lũ đến nơi an toàn kịp thời.

Hai là, tiếp tục đầu tư phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn phù hợp với từng địa bàn; cung cấp phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn phù hợp với từng vùng miền như: xuồng cao su, thiết bị vượt ngầm tràn …

Ba là, xây dựng và rà soát các khu vực thường xuyên bị ngập lụt, để từ đó lập bản đồ làm cơ sở để rà soát quy hoạch của các cấp, ngành; tăng cường trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn từ cấp trung ương đến thôn, bản.

Bốn là, cần xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão chi tiết, cụ thể theo phương châm "4 tại chỗ"; xây dựng cơ sở hạ tầng phòng tránh thiên tai, riêng công trình hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện phải đảm bảo cắt giảm lũ cho vùng hạ lưu.

Những tổn thất nặng nề về người và tài sản do bão lụt, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung đang nhận được sự quan tâm, lo lắng của người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Cùng với sự quan tâm, kịp thời chỉ đạo, sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng, rất nhiều ban, ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân đã có nhiều việc làm thiết thực khắc phục hậu quả bão lụt, chia sẻ, tháo gỡ cũng như hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua thiên tai. Nhân dân cả nước đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, tương thân tương ái, đóng góp sức người, sức của cùng Ðảng, Nhà nước khắc phục khó khăn để không người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Nguyễn Thanh Thủy

 

 

 

[i] HCMTT,Nxb CTQG, H.2011,  t.13, tr.548

Xem tin theo ngày:   / /