Nông, lâm, ngư nghiệp Tuyên Quang: Những bước phát triển tích cực

Thứ Ba, ngày 21 tháng 12 năm 2021 - 17:11 Đã xem: 10173

Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực như: Cam, chè, bưởi, mía, lạc, gỗ nguyên liệu, chăn nuôi trâu, bò thịt, bò sữa và nuôi cá đặc sản là hướng đi của tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua.   

Minh họa: Tất Thắng

Quy mô ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt  9.988,98 tỷ đồng tăng 8,07 lần so với năm 2004 (năm 2004 đạt 1.100,66 tỷ đồng).

Giai đoạn 2004-2020, Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân năm của tỉnh tăng 5,73%/năm; lĩnh vực trồng trọt tăng 11,4%/năm; chăn nuôi tăng 15,6%/năm; lâm nghiệp tăng 12,3%/năm; thủy sản tăng 19,2%/năm. GRDP khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ 4 khu vực miền núi phía Bắc.

Tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp khoảng 17%; tốc độ tăng năng suất lao động nông thôn bình quân 6,8%/năm, đứng thứ 4 khu vực trung du miền núi phía bắc, đứng thứ 39 so với cả nước; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội chiếm 58%. Sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 34 vạn tấn, bình quân lương thực đầu người trên 400kg/người/năm. Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực với diện tích gieo trồng hàng năm trên 44.000 ha.

Tập trung chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng năng suất, chất lượng, rải vụ, đa dạng sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn; nâng cao năng suất, giá trị thu nhập các cây trồng chủ lực (cam,chè, bưởi, mía, lạc) theo hướng sản xuất an toàn gắn với nhu cầu thị trường. Tổng diện tích cam toàn tỉnh hiện có 8.653 ha, năng suất 141 tạ/ha, sản lượng trên 97 nghìn tấn, trong đó vùng cam tập trung 7.557 ha chủ yếu ở huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa (đứng thứ 2 khu vực, đứng thứ 7 trong cả nước); giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha cam (theo giá hiện hành) 175 triệu đồng. Diện tích chè toàn tỉnh có trên 8.468 ha (đứng thứ 4 khu vực miền núi phía Bắc, đứng thứ 23 so với cả nước). Tập trung chuyển đổi giống, thâm canh nâng cao năng suất chè. Mở rộng diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt. Năm 2020, diện tích mía 2.900 ha (đứng thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc, đứng thứ 19 so với cả nước; giá trị sản phẩm thu hoạch 50 triệu/ha. Diện tích cây lạc là 4.568 ha, đứng thứ 3 khu vực miền núi phía Bắc; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha lạc 128 triệu đồng/ha. Diện tích cây bưởi là 5.190 ha, trồng chủ yếu ở các xã Xuân Vân, xã Phúc Ninh, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, sản phẩm bưởi Soi Hà (Yên Sơn) đã  được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) được thực hiện từ năm 2016, đến nay đạt nhiều kết quả, toàn tỉnh có 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (62 sản phẩm 3 sao, 17 sản phẩm 4 sao), đứng thứ 6 khu vực trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 18 so với cả nước, sản phẩm OCOP đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.

 Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung phát triển trang trại, gia trại theo từng vùng. Chăn nuôi trâu, lợn đặc sản, địa phương tập trung tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên; chăn nuôi bò, lợn siêu nạc, hướng nạc tập trung tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương và một số xã của huyện Hàm Yên. Toàn tỉnh 89 trang trại chăn nuôi; có 22 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi.

Các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh phát triển thủy sản, khai thác có hiệu tiềm năng lợi thế của địa phương, đặc biệt là phát triển các loại cá đặc sản hàng hóa bằng lồng trên sông, hồ thủy điện. Hiện nay,  có 10 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP, tổng dung tích cấp VietGAP 46.908 m3, sản lượng 916 tấn/năm,  trong đó có 02 cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện kiểm soát theo chuỗi, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch. Năm 2017, sản phẩm cá Lăng được bình chọn danh hiệu "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam". Năm 2020, toàn tỉnh có 1.100 lồng nuôi cá đặc sản, sản lượng cá đặc sản 870 tấn (cá chiên, lăng, bỗng).

Với điều kiện sinh thái thuận lợi cho phát triển rừng, Tuyên Quang đã thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Điều chỉnh hợp lý cơ cấu 03 loại rừng; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 65%. Kinh tế lâm nghiệp có bước phát triển nhanh và vững chắc. Ban hành chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; trồng rừng tập trung 56.014 ha (bình quân trên 11.000 ha/năm), đứng thứ  2 khu vực miền núi phía Bắc, khai thác gỗ rừng trồng 4.228.000 m3 (bình quân khai thác 845.000 m3/năm), đứng thứ nhất các tỉnh miền núi phía Bắc, đứng thứ 5 so với cả nước. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả rừng trồng (giai đoạn 2016-2020, diện tích rừng kinh doanh gỗ lớn 69.862 ha; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC đạt 35.840 ha đứng đầu trong cả nước; năng suất rừng trồng đạt bình quân 16 m3/ha/năm); giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1 ha rừng trồng 116 triệu đồng/ha/chu kỳ. Đã hình thành chuỗi liên kết giữa nhà máy chế biến gỗ với người trồng rừng.

Số lượng, quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã trong nông nghiệp tăng hằng năm: Toàn tỉnh hiện có 65 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 3,8% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 336 hợp tác xã nông lâm nghiệp, thuỷ sản, 15 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 54 hợp tác xã thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản; 358 trang trại, trong đó 89 trang trại chăn nuôi, 05 trang trại lâm nghiệp, 35 trang trại tổng hợp, 229 trang trại trồng trọt. Hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong sản xuất chè, chăn nuôi, trồng rừng nguyên liệu... góp phần nâng cao giá trị gia tăng, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết chiếm trên 15% trong tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản.

Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông, lâm, ngư nghiệp được chú trọng. Giai đoạn 2004-2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện trên 109 đề tài, dự án lĩnh vực khoa học nông nghiệp và trên 1.470 mô hình sản xuất có hiệu quả, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất như: Ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, rau thủy canh; sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao bằng nuôi cấy mô; cải tạo đàn trâu, bò, đàn lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đặc sản; mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SAN, hữu cơ trên các loại cây trồng chủ lực, với tổng diện tích trên 1.600 ha; kiên cố hóa kênh mương bằng công nghệ bê tông thành mỏng đúc sẵn trên 944 km.

Bằng những giải pháp và hướng đi đúng đắn, những năm tiếp theo, ngành nông, lâm, ngư nghiệp của Tuyên Quang chắc chắn sẽ có những bước phát triển vững chắc để sớm chạm đích chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề trong lĩnh vực này "Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 5 năm (tính theo giá so sánh năm 2010) đạt 4%/năm".

Phan Thanh Bình

Xem tin theo ngày:   / /