Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính thường xuyên, lâu dài của một đảng cầm quyền, trong đó có vai trò quan trọng của việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người đã từng căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” [1]. Đó cũng đồng thời là lời Bác nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ gìn tư cách người đảng viên.
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn
Theo Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên là sự thể hiện tính giai cấp, “tính Đảng” trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm; là luôn “nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”[2]; là “phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đó là phẩm chất cao quý của người cách mạng, đó là đạo đức cách mạng, đó là tính Đảng, tính giai cấp, nó đảm bảo cho sự thắng lợi của Đảng, của giai cấp, của Nhân dân” [3]. Thực tế đã chứng minh, hơn 90 năm qua, vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của Đảng được khẳng định bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”: “Đảng ta lãnh đạo rất sáng suốt, đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác….rất nhiều cán bộ, đảng viên tỏ rõ anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”. Phát huy truyền thống quý báu ấy, trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên về cơ bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết một lòng, xây dựng Đảng là một tổ chức chặt chẽ, giữ vững các nguyên tắc cơ bản, kỷ luật nghiêm minh, gắn bó mật thiết với Nhân dân.
Tuy nhiên thực tế những năm gần đây vẫn còn những cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu bản lĩnh, sa vào chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến những quyết định, tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, đất đai, tài nguyên, tài sản, dự án của Nhà nước nhằm thu vén lợi ích cho riêng mình, nên đã vi phạm các nguyên tắc kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật, làm mất uy tín của Đảng và giảm sút niềm tin của Nhân dân. Hiện tượng này cần tiếp tục được nhận diện và chủ động khắc phục nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng và nghiêm túc thượng tôn pháp luật như lời Bác Hồ đã dạy “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì” [4]. Trong bài phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định “…cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới”.
Để khắc phục tình hình nói trên và tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thì việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Do đó cần chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như sau:
Các cấp ủy phải quan tâm làm tốt công tác chính trị tư tưởng, chủ động dự báo tình hình để kịp thời trang bị những thông tin có định hướng của Ðảng cho cán bộ, đảng viên. Chủ động khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng; chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, vụ lợi, cá nhân, trung bình chủ nghĩa. Chú trọng đánh giá tình hình tư tưởng, đạo đức, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ. Trong đó, tiếp tục gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về những điều đảng viên không được làm”. Xây dựng kế hoạch tự soi, tự sửa, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, sửa chữa khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên.
Phát huy vai trò của chi bộ trong giáo dục rèn luyện bản lĩnh chính trị của đảng viên. Tại lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Bởi chi bộ hội tụ đầy đủ các công cụ, chức năng như nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật để tìm ra các nguyên nhân và xử lý các hiện tượng sai phạm của cán bộ, đảng viên.
Xây dựng các tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên phù hợp bối cảnh, điều kiện công việc; thống nhất giữa đánh giá bản lĩnh chính trị với kết quả thực thi nhiệm vụ, gắn đánh giá đạo đức công vụ với đánh giá kết quả thực thi công vụ, tiếp tục đổi mới việc đánh giá cán bộ theo tiêu chí, bằng sản phẩm, giao việc đổi mới, đột phá, việc khó để khẳng định năng lực cán bộ bảo đảm thực chất trong đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm. Thông qua đó tạo động lực để cán bộ, đảng viên phấn đấu vươn lên, rèn luyện bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiên định, kiên trì và năng động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động để cán bộ, đảng viên rèn luyện, phấn đấu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng công tác của cơ quan, đơn vị. Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm những tiêu cực của cán bộ, đảng viên.
Giữ vững và nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đi vào cuộc sống.
------------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, NxbCTQG.H.2002,tr.557-558
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, NxbCTQG, H.2011, tr.354
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, NxbCTQG, H.2011, tr.611
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, NxbCTQG.H.2000,tr.641
Hoàng Trang