Nhà máy sản xuất thiết bị điện thông minh Vinsmart, Tập đoàn VinGroup (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Nhật Nam
Trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa VI (15/7/1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, Đảng ta đã khẳng định: Kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (tháng 3/2002) tiếp tục xác định: Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, phát triển Kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Đại hội X (4/2006) của Đảng, kinh tế tư nhân chính thức được xác nhận là một thành phần kinh tế trên cơ sở hợp nhất hai thành phần kinh tế: cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân và được xác định rõ: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”[2]. Đại hội đã thông qua một quyết định rất quan trọng là cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân.
Đại hội XI (2011), vai trò kinh tế tư nhân được nâng tầm cao mới với việc đưa vào Nghị quyết “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật”[3].
Đến Đại hội XII (tháng 1.2016), Sự phát triển mới về nhận thức của Đảng đối với kinh tế tư nhân tại Đại hội XII là, chính thức xác nhận: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”, lần đầu tiên khái niệm tập đoàn kinh tế tư nhân xuất hiện [4].
Kế thừa các đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân. Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân…”[5]. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới. Khẳng định vai trò, động lực quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân trong hội nhập quốc tế. Kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch, khu đô thị, sản xuất ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ. Hiệu quả nổi bật của các tập đoàn kinh tế tư nhân gần đây thể hiện khá rõ điều này. Đây là một trong những điểm mới nhất của Văn kiện Đại hội XIII. Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã giải đáp sâu sắc về nhiều vấn đề mấu chốt của việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trong đó có việc phát triển kinh tế tư nhân. Bài viết khẳng định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Điều đó thể hiện sự tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế của Đảng để phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế sau 30 năm đổi mới.
Khi xác định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng” của nền kinh tế chính là nhằm đến vai trò tích cực của thành phần kinh tế này. Sự tăng trưởng ngày một mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nước ta được thể hiện rất rõ nét. Từ chỗ chỉ tồn tại “thoi thóp”, “cầm chừng” trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, luôn luôn lo ngại về nguy cơ bị “cải tạo”, bị phân biệt đối xử không chỉ trong ý thức xã hội mà còn cả trong cơ chế, chính sách nhà nước, kinh tế tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho xã hội và phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có ở mỗi địa phương cũng như trong cả nước.
Sản phẩm của kinh tế tư nhân đã vươn tới các thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao về chất lượng, mẫu mã, an toàn trong tiêu dùng, cạnh tranh và trụ vững được ở những thị trường đó trong nhiều năm qua. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua gần 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội,... [6]. Điển hình trong đó là: Sun Group, Vingroup, Thaco, Masan, FPT… Các tập đoàn này không chỉ dẫn đầu ở các lĩnh vực hoạt động trong nước, mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới. Kinh tế tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã chung tay cùng các bộ, ngành và Chính phủ góp phần chống dịch hiệu quả, động thái này thể hiện sự đồng hành hiệu quả 3 bên, giữa Chính phủ - Doanh nghiệp - Người dân.
Hiện thực hóa Văn kiện Đại hội Đảng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đòi hỏi phải có sự đổi mới triệt để về nhiều mặt. Trước hết phải đổi mới hơn nữa về nhận thức của toàn xã hội đối với kinh tế tư nhân. Trong xã hội cũng vẫn còn một bộ phận có nhận thức là đồng nhất kinh tế tư nhân với tư bản tư nhân. Từ đó sinh ra mặc cảm, định kiến, không thấy hết được mặt tích cực của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Khi xác định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng” của nền kinh tế chính cũng có nghĩa là đã nhận thấy rõ trong kinh tế tư nhân còn rất nhiều tiềm năng chưa được phát huy, nhiều nguồn lực chưa được huy động và trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, kinh tế tư nhân chưa hoạt động tương xứng với khả năng và nguồn lực của nó, chưa có địa vị phù hợp với đóng góp của chính nó.
Để phát huy vai trò của kinh tế tư nhân với tư cách là một động lực phát triển của nền kinh tế nước ta thì cần phải ưu tiên cao hơn nữa nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần thực hiện đúng, đầy đủ, chất lượng, hiệu quả vai trò của Nhà nước trong định hướng, quy hoạch và điều tiết kinh tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật pháp luật nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo.
Khi Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế và khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh là thông điệp vô cùng quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng làm giàu của toàn xã hội. Từ đó, tạo cơ sở cho việc huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt, phải công bằng, phải xoá bỏ mọi kỳ thị, định kiến với kinh tế tư nhân, phong tặng danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân làm ăn giỏi[7]. Theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng,vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ở nước ta đã được nâng lên, coi đó là động lực của nền kinh tế. Cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, nhất là chỉ đạo tổ chức thực tiễn để thực hiện đúng đường lối, chính sách, phát huy hơn nữa tiềm năng của kinh tế tư nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và con người, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nguyễn Thanh Thủy
________________
[1]Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 8, tr. 267
[2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.83.
[3] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.
[4] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr.107-108.
[5] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxv CTQGST, Hà Nội, 2021, t.r240.
[6]https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-Viet-Nam-Can-doi-moi-toan-dien-cach-lam/425640.vgp
[7]https://dangcongsan.vn/kinh-te/doanh-nhan-viet-nam-thanh-qua-cua-cong-cuoc-doi-moi-565492.html