Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì công nghiệp, thương mại, du lịch đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Minh họa: Tất Thắng
Những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển mạnh một số ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Chú trọng chất lượng tăng trưởng và giá trị tăng cao trong phát triển công nghiệp. Khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, gắn chặt các cơ sở chế biến với các vùng nguyên liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, đã thu hút được 45 dự án công nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 13.000 tỷ đồng, trong đó 19 dự án đã hoàn thành và đưa vào sản xuất.
Huy động các nguồn lực đầu tư từng bước hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, ưu tiên dự án sử dụng công nghệ xanh, sạch, tiên tiến, thân thiện môi trường. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp. Thu hút được 21 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh dự kiến quy hoạch, thành lập 8 cụm công nghiệp mới tại địa bàn các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang với diện tích trên 525 ha.
Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020 được thực hiện có hiệu quả. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về thương mại điện tử, xây dựng Trang thông tin các sản phẩm nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa tỉnh Tuyên Quang và thực hiện đề án thương mại điện tử thuộc dự án Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia. Hạ tầng thương mại nông thôn của tỉnh có nhiều thay đổi rõ rệt. Mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở bán lẻ bao phủ khắp địa bàn tỉnh, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá và kinh doanh dịch vụ, mở rộng thị trường, phục vụ dân sinh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến tháng 6 năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 99 chợ; 01 trung tâm thương mại, 05 siêu thị và hàng nghìn điểm bán lẻ hàng hóa chuyên doanh và tổng hợp. Giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng đều qua các năm: Năm 2015 đạt 74,08 triệu USD; năm 2016 đạt 83,9 triệu USD, năm 2020 đạt 119 triệu USD, tăng 60,6% so với năm 2015. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như: hàng dệt may, bột giấy, giấy in viết, giấy vàng mã, bột barit, chè xuất khẩu, đũa gỗ, phong bì, gỗ ván sàn… Thị trường xuất khẩu: Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Mexico, Indonesia, Canada, Tây Ban Nha, Afghanistan, Pakistan…
Một trong những giải pháp mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”. Tỉnh đã xây dựng và thực hiện đồng bộ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung quy hoạch tổng thể Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang. Hình thành và phát triển một số loại hình du lịch như: Du lịch lễ hội; du lịch lịch sử, văn hóa; du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh... Liên kết, hợp tác liên vùng, liên tỉnh và quốc tế để khai thác, phát triển du lịch. Giai đoạn 2016 - 2020, Tuyên Quang đón 8.445.700 lượt khách; tăng trưởng bình quân 4,85%/năm; tổng thu xã hội từ du lịch đạt 7.425 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 5,2%/năm, tạo việc làm cho trên 16 nghìn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác phát triển. Hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch được cải thiện, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có quy mô được đầu tư xây dựng. Hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch được quan tâm; nguồn nhân lực ngành du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, nhất là hỗ trợ đào tạo kiến thức cho người dân tham gia phát triển loại hình du lịch cộng đồng.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, Tuyên Quang đang nỗ lực phấn đấu cùng cả nước vươn lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu “xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, bền vững, toàn diện trong khu vực miền núi phía Bắc”.
Phan Thanh Bình