Ngày Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ngày Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình

Thứ Năm, ngày 6 tháng 1 năm 2022 - 12:58 Đã xem: 1966

Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân, ngày 06/01/1946, đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam

Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh: hochiminh.vn)

Thời điểm khi đất nước mới độc lập, quyền bầu cử đã được thực hiện bảo đảm sự minh bạch, công bằng là  giá trị lịch sử của ngày tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...”.

Để tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của một nhà nước mới có cơ sở pháp lý, minh bạch, công bằng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Liên hiệp Lâm thời đã xây dựng và ban hành hàng loạt các sắc lệnh với những quy định rất rõ ràng về sự tự do, dân chủ, tiến bộ mang tính thời đại. Các văn bản pháp luật có giá trị cao nhất về tổ chức Tổng tuyển cử gồm [1]:

Sắc lệnh số 14-SL ngày 8/9/1945 do Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký, ra quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân đại hội ngày 16, 17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng, nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ Nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”. Đây là văn bản pháp lý cao nhất, quan trọng nhất, là sự khẳng định điều kiện quan trọng nhất để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử.

Tiếp theo đó, Chính phủ lâm thời đã ban hành các sắc lệnh quy định các thể lệ cuộc Tổng tuyển cử: Sắc lệnh số 39-SL, ngày 26/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo về thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm 09 người, trong đó có đại diện của các ngành, các giới; Sắc lệnh số 51-SL, ngày 17/10/1945 quy định về thể lệ Cuộc tổng tuyển cử phải được tiến hành theo lối phổ thông đầu phiếu bầu cử trực tiếp và bí mật; Sắc lệnh số 71-SL, ngày 2/12/1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người ứng cử. Các văn bản này chuẩn bị cơ sở pháp lý đầy đủ cho cuộc Tổng tuyển cử.

Riêng Sắc lệnh số 76-SL ngày 18/12/1945 về việc ấn định ngày Tổng tuyển cử trong toàn cõi Việt Nam chuyển từ ngày 23/12/1945 đến ngày 06/01/1946 là thể hiện rõ nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau này của các hoạt động ngoại giao Việt Nam áp dụng từ những năm đầu của Nhà nước ta đến nay.

Dưới góc nhìn của công tác lập pháp và quản lý nhà nước, Sắc lệnh được ban hành trong giai đoạn này, chưa có Quốc hội, Hiến pháp, cơ quan hành pháp hiện diện và điều hành chỉ mang tính lâm thời, là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất. Những sắc lệnh này là những văn bản rất quan trọng và là cơ sở pháp lý đầu tiên về bầu cử, là sự khẳng định các điều kiện chủ quan, khách quan tiến hành cuộc Tổng tuyển cử.

Chuẩn bị Tổng tuyển cử, các Ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do Ủy ban Nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm.

Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, toàn thể Nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 06/01/1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Tổng tuyển cử thành công bầu ra Quốc hội Việt Nam đầu tiên.

Bầu cử, ứng cử là yếu tố quan trọng để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ và là biểu hiện, thước đo của dân chủ. Theo cơ chế quốc tế, quyền bầu cử là một trong những nội dung quan trọng của quyền chính trị, được đề cập đến tại Điều 25 Công ước quốc tế phổ quát về các quyền dân sự, chính trị của Liên hợp quốc năm 1966 (ICCPR). Theo Hiến pháp Việt Nam hiện hành - bộ luật có giá trị pháp lý cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 27 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND”. Hiến pháp cũng quy định các phương thức để Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6). Có thể nói quyền chính trị của công dân về bầu cử, ứng cử trong giai đoạn hiện nay đã được thể chế và hiện thực hoá một cách hoàn bị nhất, nhằm bảo đảm trọn vẹn các quyền con người.

Như vậy, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ và vẫn còn nguyên những giá trị thời đại gắn với bảo đảm trọn vẹn quyền con người, quyền công dân.

 

1.Hà Thảo. "Tổng tuyển cử đầu tiên-Thực thi quyền của mọi công dân trong nền cộng hoà non trẻ" Việt Nam Dân chủ Cộng hoà"." (2016).

Đỗ Hồng Thanh

 

 

Xem tin theo ngày:   / /