Phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Thứ Sáu, ngày 7 tháng 1 năm 2022 - 08:26 Đã xem: 999

Phát triển văn hóa và con người Việt Nam là một bộ phận cơ bản trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là một nhiệm vụ trọng yếu trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Vai trò của văn hóa và con người ngày càng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn.

Minh họa: Tất Thắng.

 Đảng ta đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. Trong quá trình phát triển đất nước, nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Những kết quả về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong những năm qua đã có tác động to lớn đến phát triển văn hóa và con người. Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người đối với phát triển bền vững đất nước trong các tổ chức Đảng và tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan nhà nước, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt các cấp đã góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa đạo đức, lối sống lành mạnh trong Đảng và ngoài xã hội.

 Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, vô cảm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa bị đẩy lùi. “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội” [1].

Để xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong thời gian tới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên hơn cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng môi trường văn hóa đạo đức lành mạnh trong xã hội; kiên quyết, kiên trì ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong Đảng và ngoài xã hội. Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý và tập trung xây dựng Đảng về đạo đức với nhiều nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cánh mạng; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức và phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân, tạo điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cánh mạng. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội. Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế./.

N.T.B.H

 

 

 

 

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tlđd, t.1, tr.84-85, 108

Xem tin theo ngày:   / /