Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén trong xây dựng và chỉnh đốn đảng vô sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Vấn đề này luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong mọi giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày 14-2-1952, với bút danh C.B. Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết "Tự phê bình và phê bình" đăng trên Báo Nhân dân, số 45. Trong bài báo Người cho rằng, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả thiết thực, thì phải chú ý 4 điều: "Mục đích", "Phương hướng", "Trọng tâm" và "Cách làm". Trong đó, Người nhấn mạnh đến công tác "Kiểm thảo công việc" vì "Khi tư tưởng thông rồi, tài liệu đã nghiên cứu kỹ, lúc đó mới kiểm thảo công việc, thật thà tự phê bình và phê bình. Không nên vội vàng, sơ suất, phóng đại". Người Khẳng định:

Với tinh thần của người cách mạng trong tự phê bình và phê bình nhằm: “Giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ…Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.232). Người chỉ rõ: Ưu điểm thì phải khen, để mọi người bắt chước và phát triển. Khuyết điểm thì phải tuỳ nặng nhẹ mà xử trí cho đúng mực, để mọi người biết mà tránh. (Mục đích của kiểm thảo là giáo dục, cải tạo, nhưng không phải tuyệt đối không hề dùng kỷ luật). Những vấn đề đã đặt ra, cần tìm cách giải quyết cho đúng. Trong kiểm thảo, phải làm cho mọi người tự động, tự giác thật thà nêu khuyết điểm của mình, thành thật phê bình anh em. Kiểm thảo thì nhằm vào tư tưởng, lề lối làm việc, kết quả của công việc, chứ không nhằm vào cá nhân. Khi kết thúc kiểm thảo, ra sức làm cho mọi người tăng thêm lòng tự tin (tin chắc mình phát triển được ưu điểm, sửa đổi được khuyết điểm) khiến mọi người khoan khoái, vui vẻ, hăng hái, để tiếp tục công tác và tiến bộ mãi. Rồi phải đặt chương trình học tập và công tác sắp tới, để mọi người thi đua làm tròn nhiệm vụ.

Hiện nay, để nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ, đảng viên, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Bài phát biểu của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các quy định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII như: Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung... Từ đó, góp phần tu dưỡng đạo đức người đảng viên, thực hiện tốt hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Đảng và sự tin yêu của Nhân dân.
