Dấu ấn tháng Tư trên quê hương cách mạng Tân Trào

Thứ Tư, ngày 16 tháng 2 năm 2022 - 09:55 Đã xem: 768

Tuyên Quang - Vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng đã chứng kiến nhiều hoạt động và mãi khắc ghi sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam.

Di tích làng Sảo (xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương). Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang vinh dự được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là Thủ đô Khu giải phóng, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với vận mệnh dân tộc. Tại đình Tân Trào, ngày 16-17/8/1945 Quốc dân Đại hội họp đã bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trước khi rời Tân Trào về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán dã tâm xâm lược nước ta của thực dân Pháp chưa dừng lại, cuộc chiến có thể còn tiếp diễn. vậy, Người đã cử cán bộ ở lại tiếp tục củng cố khu căn cứ địa Tân Trào và căn dặn: "Một số các cô, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn... Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa...". Và đúng như sự tiên đoán, trù liệu đó của Người, thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu, đã trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai.

Trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), theo chỉ thị của Bác, căn cứ địa Việt Bắc vẫn tiếp tục được củng cố. Khi chiến sự lan rộng, sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình và khả năng phòng thủ của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định "Ta lại trở về Tân Trào" chỉ đạo thực hiện cuộc tổng di chuyển các cơ quan, kho tàng, máy móc vào các an toàn khu nhằm bảo toàn lực lượng, xây dựng thực lực để tiến hành kháng chiến trường kỳ. Tháng 2/1947, Chính phủ quyết định chọn vùng trung tâm Việt Bắc làm An toàn khu. Tuyên Quang, nơi có vị trí chiến lược, địa thế hiểm yếu, có thể cơ động linh hoạt sang các vùng khác; nơi có cơ sở chính trị, có tổ chức đảng, chính quyền và phong trào cách mạng vững chắc, từng là Thủ đô Khu giải phóng, Nhân dân có truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng đã được chọn làm trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc, an toàn khu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các cơ quan Trung ương.

Ngày 2/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương [1]. Đây là nơi ở, làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ ngày 2/4 đến ngày 19/5/1947) khi Người trở lại Việt Bắc để cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược.

Nằm ở giữa lòng chiến khu Việt Bắc, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương là nơi có vị trí thuận tiện giao thông liên lạc bằng cả đường thủy và đường bộ, có thể cơ động đến các xã trong huyện Sơn Dương; thượng huyện Yên Sơn, sang Thái Nguyên, Bắc Kạn và về xuôi. Nhân dân các dân tộc nơi đây sớm giác ngộ và tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng. Nhận được tin báo đón đoàn cán bộ đến ở và làm việc, các đồng chí lãnh đạo địa phương đã tích cực chuẩn bị. Những ngày đầu, Bác Hồ ở tại gia đình ông Ma Văn Hiến, đến cuối tháng 4/1947, Bác Hồ chuyển ra ở và làm việc tại lán trên đất nhà bà Đinh Thị Tư. Sau khi các đồng chí cảnh vệ dựng xong lán trên một bãi đất rộng trong làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển đến và ở đó đến ngày 19/5/1947.

Tại làng Sảo, từ ngày 03-06/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng, rút kinh nghiệm những tháng đầu toàn quốc kháng chiến, tiếp tục khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của Đảng ta và yêu cầu khẩn trương di chuyển các cơ quan lên Việt Bắc. Ngày 19/4/1947, Người chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ, trọng tâm bàn về vấn đề ngoại giao. Người cũng yêu cầu tất cả các vị Bộ trưởng nhanh chóng chuyển vào an toàn khu càng sớm càng tốt. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang trở thành Thủ đô kháng chiến của cả nước.

Những ngày sống tại làng Sảo để lãnh đạo cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương mẫu mực về tinh thần giản dị, tiết kiệm, quan tâm, yêu thương những đồng chí, đồng đội. Ngày 19/5/1947, để mừng sinh nhật lần thứ 57 của Bác, các đồng chí phục vụ muốn tổ chức một bữa ăn tươi nhưng Bác đã ân cần nói: "Công việc kháng chiến còn nhiều khó khăn, vất vả. Khi nào kháng chiến thành công, về Hà Nội, các chú tổ chức sinh nhật Bác cho đàng hoàng". Mọi người tặng Bác một bó hoa rừng, Bác nhận rất xúc động nhưng rồi cũng đề nghị dành những bông hoa đó đi viếng đồng chí cấp dưỡng cho Bác vừa bị bệnh mất.

Sau thời gian đó, để thuận tiện cho công tác và giữ bí mật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã di chuyển đến nhiều nơi khác trong địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Người đã di chuyển hơn 20 địa điểm khác nhau. Tuyên Quang, Người đã có nhiều quyết định quan trọng và các hoạt động thực tiễn trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua gian khó đến ngày chiến thắng.

Xứng đáng với niềm tin của Bác Hồ và Trung ương Đảng, quân và dân Tuyên Quang đã tham gia cùng bộ đội chủ lực lập nhiều chiến công vang dội, đập tan các cuộc tấn công của thực dân Pháp lên Việt Bắc. Suốt chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn làm trọn nhiệm vụ thiêng liêng: Xây dựng, bảo vệ Thủ đô kháng chiến; bảo vệ an toàn tuyệt đối Bác Hồ và các cơ quan đầu não kháng chiến; góp phần quan trọng vào  thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ghi nhớ sâu sắc và quyết tâm làm theo lời Bác Hồ dạy, trên nền tảng lịch sử, văn hoá, phát huy mạnh mẽ truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn thử thách, thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập và công tác giành nhiều thành tựu quan trọng, viết tiếp trang sử vẻ vang trong giai đoạn mới: Kinh tế tăng trưởng khá; văn hoá - xã hội phát triển; quốc phòng - an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường. Đời sống Nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt, những năm gần đây, Tuyên Quang luôn tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, Tuyên Quang hôm nay có nhiều đổi mới với những công trình, dự án lớn; nông thôn hình thành nếp sống mới, văn minh, hiện đại. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tin tưởng rằng nhất định Tuyên Quang sẽ vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

[1]: Hồ sơ Khu di tích lịch sử Làng Sảo tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.

Nguyễn Thị Mai Lan

 

Xem tin theo ngày:   / /