Phong tục làm nhà mới của người Tày Na Hang

Thứ Sáu, ngày 25 tháng 2 năm 2022 - 08:30 Đã xem: 1488

Không giống với phương cách sống du canh du cư của một số dân tộc thiểu số khác, người Tày luôn có tư tưởng ổn định về nơi ở, từ đó mới tính chuyện làm nương trồng ngô, lúa. Từ quan niệm đó, đã hình thành nên sự coi trọng trong các nghi thức làm nhà ở. Nhà là sản phẩm kiến trúc độc đáo, thể hiện sự hòa hợp của con người, thiên nhiên và văn hóa dân tộc phong phú.

Một góc nhà sàn ở Bản Thác (Yên Hoa, Na Hang)

Với người Tày Na Hang, ngôi nhà không đơn thuần chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi chứng kiến sự ra đời, trưởng thành của mỗi người. Chính vì vậy, khi làm nhà, họ thường nhờ thầy pụt, tạo xem tuổi, tránh làm nhà vào những năm hạn, năm kim lâu...

Người Tày chọn những khu đất bằng phẳng, thoáng đãng, gần nguồn nước tiện cho sinh hoạt. Đẹp nhất là những khu đất tựa lưng vào nước, mặt tựa ra sông, suối, không gian thoáng đãng, trong lành. Gia chủ khi làm cũng phải xem hướng nhà có hợp không. Thường thì chọn hướng theo tuổi, kiêng chọn hướng nhà quay về mỏm núi hoặc những hình thù quái dị…

Sau khi chọn được thế đất, hướng nhà thì sẽ chọn ngày tốt để làm lễ động thổ. Tránh vào những ngày xung, ngày kỵ của dòng họ. Lễ vật gồm: thủ lợn, gà, đĩa xôi, bát gạo, bát muối, cốc nước, chén rượu. Thầy tạo đọc văn khấn thổ thần, thổ địa cho gia đình làm nhà, phù hộ gia chủ sinh sống an yên, làm ăn thuận lợi.

Ngày khởi công, gia đình làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Thợ cả đục hoặc chặt vào gỗ làm nhà để lấy ngày, gọi là “mai vằn”.

Sắc xuân về bên nhà sàn (Khau Tinh, Na Hang)

Để dựng một ngôi nhà mới, phải chuẩn bị trước 1 - 2 năm, lâu thì phải 3 năm. Khi nào đủ nguyên liệu thì mời thợ (thường là anh em trong dòng họ, anh em làng bản) về giúp dựng bộ khung nhà. Khi chọn cây cột, đòn tay để dựng nhà, người Tày luôn chú ý tới những kiêng kỵ, đặc biệt là chọn cây gỗ làm cột cái, họ kiêng không chọn cây đổ, gãy ngọn, cây bị sét đánh, cây chết đứng vì họ cho rằng những cây đó sẽ mang lại sự không may mắn cho gia đình. Cầu thang thường làm số lẻ, 7 hoặc 9. Người Tày ở đây quan niệm mỗi bậc thang tượng trưng cho một vía của người phụ nữ đang sống trong ngôi nhà, nếu làm bậc cầu thang là số lẻ thì mọi người trong nhà đều bình yên và may mắn. Chính vì vậy, câu nói “9 bậc cầu thang, 9 bậc núi rừng” đã đi vào câu ca của người Tày.

Sau khi ngôi nhà mới được hoàn tất, người ta làm lễ lên nhà mới. Công việc đầu tiên và quan trọng nhất là chuyển bàn thờ tổ tiên từ ngôi nhà cũ lên ngôi nhà mới. Nếu chủ nhà là con thứ ra riêng thì phải sang nhà bố mẹ hoặc anh trai cả xin chân nhang về nhà mình để thờ.

Sau nghi lễ cúng lập bàn thờ, còn có tục cúng vua bếp là người cai quản sự sống của gia đình. Các lễ vật gồm: 1 con gà, 1 đĩa xôi, 1 chai rượu, 1 bó đốt, 1 cum thóc, 1 ống nước, 1 bó lá rong hoặc lá chuối, 1 cây mía. Thầy tạo báo cáo với vua bếp là gia đình làm nhà mới, làm bếp mới, xin rước vua bếp vào, cầu mong vua bếp phù hộ cho gia đình có cuộc sống ấm no. Tiếp đó, chủ nhà lấy mấy cành củi để nhóm bếp nấu nước mời mọi người cùng uống. Gia chủ có mâm cơm cúng tổ tiên, đốt hương cắm ở mỗi cột nhà mang ý nghĩa cảm ơn cột đã chống đỡ mọi thứ để che chở cho con cháu trong gia đình. Trên bàn thờ tổ tiên nhà mới phải lấy từ 5 - 10 cán hương gói giấy đỏ từ bàn thờ cũ mang cắm vào bát hương mới, lấy tro nóng ở giữa bếp về để vào bát hương.

Bếp lửa giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và sinh hoạt của người Tày

Người Tày Na Hang còn treo vải đỏ ở cửa ra vào và dán giấy đỏ ở hai bên cửa thể hiện sự may mắn, vui mừng của gia chủ.

Phong tục mừng nhà mới của người Tày ở Na Hang nhằm chúc tụng gia đình, họ hàng, làng bản đều mạnh khỏe, yên vui và làm ăn phát đạt. Qua đó, giáo dục mọi người nhận thức được những giá trị của lao động, quý trọng tình bạn, tình anh em, cộng đồng./.

Nguyễn Thanh Thủy

Xem tin theo ngày:   / /