Tỏa sáng tư tưởng đoàn kết người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ nhật, ngày 27 tháng 2 năm 2022 - 13:50 Đã xem: 1634

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đó là chân lý mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết và khái quát truyền thống lịch sử dân tộc ta. Nhờ có đoàn kết mà 54 dân tộc anh em cùng chung sống, đã vượt qua bao gian lao, thử thách, chống chọi được với thiên tai, địch họa, bảo vệ giang sơn, bờ cõi, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và đang chung sức xây dựng đất nước.

Bác Hồ thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn năm 1952. Ảnh Tư liệu

Lực lượng đoàn kết dân tộc, theo Hồ Chí Minh bao gồm các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội, các ngành, các giới, các lứa tuổi, các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam, đồng bào các tôn giáo, các đảng phái…hợp thành khối đại đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc trong khối đại đoàn kết rộng lớn, đông đảo và đa dạng đó, liên minh công – nông – trí thức là nền tảng. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, độc lập, dân chủ thì chúng ta đều thật thà đoàn kết với họ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước ta có 54 dân tộc, có dân tộc hàng chục triệu người như dân tộc Kinh, cũng có những dân tộc chỉ vài ba trăm người nhưng Người vẫn luôn khẳng định: Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Ê đê, Xê đăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Người căn dặn : Tuyên truyền phải dễ hiểu. Đi nói chuyện ở đâu phải hiểu rõ trình độ dân nơi ấy. Nói phải thiết thực, đúng lúc, đúng chỗ. Đặc biệt phải chú ý đến đối tượng tuyên truyền. Mỗi địa phương có đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau, mỗi dân tộc có trình độ, tiếng nói, phong tục tập quán khác nhau. Dân tộc Tày không giống dân tộc Kinh, Dân tộc Thái không giống người Mông… Do vậy, phải chú ý đến đối tượng thì phương pháp tuyên truyền mới hiệu quả.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp những nhân sĩ trí thức, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, như cụ Vi Văn Định. Họ Vi là một dòng họ lớn người Tày ở Lạng Sơn, sống  tại bản Chu, huyện Lộc Bình, nguyên quán ở xã Vạn Phần, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An. Do quá hiểu uy lực và ảnh hưởng của dòng họ Vi ở vùng biên ải Lạng Sơn, thực dân Pháp đã dùng kế “điệu hổ ly sơn” và không cho Vi Văn Định tiếp tục làm quan trên mảnh đất ở của ông cha mà đưa ông sang Cao Bằng làm tuần phủ rồi đưa xuống miền xuôi (năm 1922 làm Tuần phủ Phúc Yên, năm 1925 làm Tuần phủ Hưng Yên...). Từ tháng 8-1928, ông Vi Văn Định làm Tổng đốc Thái Bình. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta bùng nổ, Bác Hồ với tầm nhìn xa trông rộng của mình đã nghĩ ngay tới việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, không để cho kẻ thù lợi dụng những nhân vật người dân tộc thiểu số có uy tín vào những mục tiêu đen tối của chúng. Bác cũng nói: “Con cháu cụ Vi đều đi với Cách mạng cả, hãy mời cụ Vi về Hà Nội”. Trước khi rời Lạng Sơn, ông Vi Văn Định đã cho làm cỗ chia tay và bà con địa phương đến rất đông. Uy danh dòng họ 13 đời làm thổ ty ở Lạng Sơn có nhiều công trạng với quốc gia cho tới giữa thế kỷ XX vẫn còn quá lớn trong lòng đồng bào dân tộc thiểu số ở đây... Ông Vi Văn Định được bầu làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Liên Việt, tiếp đó là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Ông có 3 người con rể nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam:

 Người con rể đầu tiên là Giáo sư y khoa Hồ Đắc Di. Ông từng học chuyên ngành y khoa, Đại học tổng hợp Pari, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội.

Người con rể thứ hai là ông Nguyễn Văn Huyên - Nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục 1946-1975. Ngày 6/10/1947, tại làng Ải bên con ngòi Quẫng (thuộc xã Xuân Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang), Trường Y tổ chức khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên chủ toạ buổi lễ này, nhưng đúng một ngày sau, quân Pháp đã ồ ạt tấn công lên Việt Bắc, các cơ quan được lệnh lên bè nứa, rời đến làng Bình ở gần rừng, chờ đến khi quân địch rút đi mới quay về địa điểm cũ. Hình ảnh của vị Bộ trưởng Giáo dục được ghi lại trên những nẻo đường Việt Bắc: “Với chiếc balô gọn nhỏ, một chiếc xe đạp cà tàng, một trí tuệ uyên bác ẩn trong một sức vóc không mấy cường tráng, vị Bộ trưởng ấy đã ngang dọc trên nhiều làng bản xa xôi, hẻo lánh cùng các cộng sự đem mầm tri thức và ánh sáng văn hoá đến cho đồng bào…”.

Người con rể thứ ba là Giáo sư y khoa Tôn Thất Tùng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức. Vị giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan của Việt Nam và thế giới.

Câu chuyện Bác Hồ và vua mèo Vương Chí Sình cũng là câu chuyện đặc sắc, biểu trưng cho tinh thần đại đoàn kết của Người.

Với đức tính giản dị, dễ gần và thương người nên ông Vương Chí Sình được người dân trong vùng kính trọng, khi Pháp – Nhật xâm lược nước ta, tấn công lên Hà Giang ông đã kêu gọi người dân trong vùng đứng lên chống lại, được người dân tôn làm Thủ lĩnh.Cảm kích trước tinh thần yêu nước của Vương Chí Sình, Bác Hồ đã kết nghĩa anh em với ông và đặt tên cho ông là Vương Chí Thành. Cảm cái nghĩa khí của ông, Bác Hồ còn tặng ông một thanh gươm có khắc dòng chữ “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ” và một chiếc áo trấn thủ, chiếc áo này do Hội phụ nữ tỉnh Hải Dương may tặng Bác Hồ. Từ đó, vua Mèo đã tuyên truyền vận động người dân một lòng theo Đảng, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu,giã từ cây anh túc, sống định canh định cư, cuộc sống của người H’Mông không còn trầm luân bên bờ mê lú của loài hoa thuốc phiện.

Tại khóa Quốc hội đầu tiên của nước ta ( năm 1946), ông Vương Chí Sình được bầu là đại biểu Quốc hội.

Bác nói: “Chỉ sợ lòng mình không rộng chứ không  sợ người khác không theo mình”.

“Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Chỉ một người,
Nhắc không đặng…

… Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Nhiều người nhắc,
Nhắc lên đặng…

Biết đồng sức,
Biết đồng lòng,
Việc gì khó,
Làm cũng xong…

(21/4/1942)

Đối với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang, hình ảnh Bác gắn liền với Đảng. Tin yêu Bác là tin yêu Đảng, tin yêu Đảng là hết lòng ủng hộ Việt Minh, đi theo Việt Minh để bảo vệ Bác, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng cũng chính là bảo vệ cuộc sống tự do trên quê hương mình. Niềm vui được thể hiện:

Kể theo lịch sử chẳng sai

Đến năm Ất Dậu ai ai một lòng

Từ giờ việc Pháp bỏ không

Bây giờ việc nước theo cùng Việt Minh

Giặc Tây đến lúc phải kinh,

Việt Minh đã nổi dân tình đều theo…

 (Tài liệu sưu tầm trong nghiên cứu điền dã tại Tân Trào)

Dân tộc nào cũng có truyền thống đoàn kết để sinh tồn và phát triển. Song, truyền thống đoàn kết của dân tộc ta là truyền thống của một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, sống xen kẽ, không phân biệt cương vực lãnh thổ. Đó là những cuộc chiến đấu liên miên để chống chọi với thiên tai khắc nghiệt và đủ loại xâm lược hòng thôn tính lãnh thổ, nô dịch dân tộc ta. Đó còn là một giá trị văn hoá thuộc về bản sắc dân tộc Việt Nam, một dân tộc ngay từ khi hình thành đã mang tính cộng đồng cao. Nghiên cứu chiều sâu của đoàn kết dân tộc, mới thấy rõ ý nghĩa sâu sắc mà “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” của Đảng đã tổng kết thành một trong những bài học lớn của cách mạng nước ta. Đó là: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế”.

Truyền thống đoàn kết của dân tộc ta được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh, kết tinh thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tiễn cách mạng nước ta  những năm qua đã chứng minh một cách hùng hồn sức sống mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại không gì chiến thắng nổi của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết kết dân tộc, trong đó ngời sáng tư tưởng tập hợp, đoàn kết những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vào sự nghiệp cách mạng và Đảng ta đã quán triệt sâu sắc tư tưởng đó thành sợi chỉ đó xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng qua mọi thời kỳ.

Nguyễn Thanh Thủy

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 301 | Trang: 1 trên tổng số 31 trang  
Xem tin theo ngày:   / /