Lễ hội "Gầu Tào" thể hiện mong ước, khát vọng của người Mông về cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Thứ Tư, ngày 2 tháng 3 năm 2022 - 21:26 Đã xem: 13267

Đồng bào Mông ở Tuyên Quang có trên 3.800 hộ gia đình với trên 20.000 nhân khẩu, cư trú tại 91 xã, phường, thị trấn, 225 thôn bản, tổ dân phố, trong đó, 12 thôn có 100% đồng bào Mông sinh sống.

Lễ hội Gầu Tào thể hiện mong ước, khát vọng của người Mông về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. (Ảnh KT)

Là dân tộc có truyền thống văn hóa phong phú với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đậm bản sắc tộc người, trong đó Lễ hội Gầu tào là một trong những nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông rất cần được giữ gìn và phát huy. Đây là Lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông. Gầu Tào” tiếng Mông nghĩa là “chơi ngoài trời” hay "Hội chơi đồi hay hội, chơi núi mùa xuân" . Lễ hội thường được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4 Tết Âm lịch, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội Gầu Tào gồm có phần Lễ và phần Hội. Để bắt đầu lễ hội Gầu Tào,  đầu tiên là phải chọn được ngày đẹp, đốn một cây nêu về dựng ở bãi đất trống. Thường thì sẽ dựng trước khoảng một tuần để báo cho bà con biết địa điểm sẽ tổ chức lễ hội. Khi tổ chức lễ hội thứ nhất phải chọn được người đứng ra tổ chức. Tiếp theo phải chọn được cây nêu với tiêu chuẩn không bị cụt ngọn, khi chặt phải đổ về hướng mặt trời mọc, có độ dài khoảng 7 mét, sau đó treo đèn thật đẹp để bà con biết nơi tổ chức Hội. Trước khi dựng cây nêu, phải nhờ già làng trưởng bản đến cúng, chuẩn bị gà, rượu để cúng cảm tạ trời đất, sau đó buộc lên ngọn cây nêu một chai rượu hoặc nước, một bó lúa hoặc ngô tượng chưng cho sự sung túc, một tấm vải đỏ tượng chưng cho sự may mắn và bắt đầu dựng cây nêu. Sau khi cúng và dựng xong cây nêu là đến phần Hội. Các thanh niên trai tráng trong bản sẽ cùng nhau thi leo lên cây nêu này, ai leo giỏi lấy được chai rượu, bó lúa và tấm vải đỏ buộc trên ngọn cây nêu nghĩa là hái được lộc trời cho cả năm mạnh khoẻ, sung túc. Chính vì thế, tất cả thanh niên trong các bản Mông đều rất háo hức tham gia hoạt động này. 

Từ ý nghĩa ban đầu là lễ tạ ơn, chúc tụng con đàn, cháu đống trở thành một lễ hội lớn của bà con dân tộc Mông Tuyên Quang, lễ hội Gầu Tào thật sự là nơi để thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng làng bản. Chính vì vậy các địa phương có đông đồng bào Mông sinh sống nên duy trì và tổ chức thường xuyên để lễ hội này trở thành lễ hội của cộng đồng làng, cầu cho mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đặng Thị Quang

 

Xem tin theo ngày:   / /