Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa

Thứ Ba, ngày 15 tháng 3 năm 2022 - 18:35 Đã xem: 8458

Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung...

Ảnh minh họa

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, toàn bộ di sản tư tưởng của Người là một kho báu văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong đó, tư tưởng của Người về văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Đó là một hệ thống các quan điểm lý luận mang tính khoa học và cách mạng về văn hóa và xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Được kết tinh và chắt lọc những giá trị cả văn hóa phương Đông, phương Tây, của truyền thống và hiện đại, của dân tộc và quốc tế. Theo Người: Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được; có thực mới vực được đạo; xã hội thế nào thì văn hóa thế ấy. Nhưng mặt khác, đến lượt mình, văn hóa là động lực của sự phát triển xã hội, phát triển kinh tế; văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

Ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa[1]. Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật) do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới; khẳng định ba nguyên tắc vận động quần chúng xây dựng văn hóa là “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”. Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam được xác định là “dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung”.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa: Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt. Hai là, phải giáo dục tinh thần cho nhân dân. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người nêu một chân lý “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”... “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”. Người nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”[2].

Đường lối văn hóa kháng chiến, kiến quốc tiếp tục hình thành và phát triển. Tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tài liệu “Đời sống mới” giải thích những vấn đề thiết thực trong đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hóa. Tháng 7/1948, tại Việt Bắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Trong thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị, Người nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng”[3]. Đề cương văn hóa 1943 của Đảng, có giá trị như là Cương lĩnh văn hóa của Đảng thời kỳ kháng chiến, kiến quốc.

Trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức” và “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa; muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột rửa tư tưởng cá nhân chủ nghĩa”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta có dịp tiếp xúc rộng rãi với những thành tựu văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa Việt Nam. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Khẩn trương(... )xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam (…) Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”[4].

Kế thừa, tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào quản lý văn hóa, xã hội, phát huy sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

B.H


[1]   Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3 Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.458: Cuốn sổ ghi chép những bài thơ sau này được tập hợp thành “Nhật ký trong tù” (1942-1943) của Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”

[2]   Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần I,1946

[3] Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền cả lịch sử oanh liệt kháng chiến, kiến quốc cho hậu thế”.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.145-147.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 293 | Trang: 1 trên tổng số 30 trang  
Xem tin theo ngày:   / /