Xuân về nhớ măng sặt vùng cao

Thứ Hai, ngày 21 tháng 3 năm 2022 - 15:38 Đã xem: 1014

Đến với Tuyên Quang những ngày mưa xuân lất phất bay ngoài hiên nhà, có nhiều thức quà ngon, nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến măng sặt (tiếng Tày gọi là “Mạy piệt”) - món quà dân dã góp phần làm nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất này.

Măng sặt được bày bán ở chợ Yên Hoa, Na Hang

Cuối tháng giêng hàng năm, đồng bào các dân tộc ở các huyện vùng cao như Chiêm Hóa, Lâm Bình và Na Hang lại cùng nhau đeo “Thông” (túi vải của người Tày Tuyên Quang) lên rừng lấy măng sặt, một loài cây thuộc họ tre, nứa chỉ mọc ở các cánh rừng trên núi cao.

Mùa măng sặt kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch hàng năm. Đầu mùa, măng tuy ít nhưng ngon và ngọt hơn măng cuối mùa. Để lấy được những củ măng non và ngọt đầu mùa, người dân vùng cao phải dùng cuốc, thuổng hoặc dao cán dài đào sâu vào lòng đất, lần theo rễ măng, khi những búp măng chưa kịp nhú lên khỏi mặt đất. Măng nhú mầm nhanh vào những ngày mưa lây phây, khi cây cỏ, đất trời đương xuân, những chồi măng non nhú mầm trên những thảm cỏ, lá cây ẩm ướt. Về cuối mùa, măng nhú càng cao càng đắng.

Măng nhú mầm những ngày mưa xuân lây phây

Trước đây, khi cuộc sống của người dân miền núi còn nhiều khó khăn, măng sặt là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người dân nơi đây mùa giáp hạt. Khác với măng đắng, măng sặt pha lẫn vị ngọt giòn, củ bé chỉ bằng ngón tay cái. Ngày nay, măng sặt đã trở thành hàng hóa được trao đổi mua bán trên thị trường mang lại thu nhập thời vụ cho người dân miền núi mỗi khi vào mùa.

Măng sặt chỉ bé bằng ngón tay cái

Măng sặt là nguồn thực phẩm dồi dào, từ măng sặt người ta chế biến nhiều món ăn dân dã làm tăng chất lượng cuộc sống hàng ngày và những món hấp dẫn chiêu đãi khách quý hay làm quà mang về. Phải kể đến có măng sặt luộc, măng sặt xào tỏi, măng sặt nướng…Dù ở đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì măng sặt cũng góp cho đời những món ăn mà ai đã một lần nếm thử chắc chắn sẽ không thể nào quên được dư vị núi rừng dân dã ấy.

Măng sặt bóc vỏ

Trước tiên, phải kể đến là măng sặt xào. Tùy vào khẩu vị, sở thích, người nấu có thể xào cùng với thịt bò phi thêm tỏi, hoặc xào cùng thịt lợn, lòng gà, thịt trâu…đều rất ngon.

Măng sặt xào tỏi thơm ngon được nhiều người ưa chuộng

Măng càng thêm đậm đà bởi thịt, mùi thơm của tỏi hòa quyện…tạo nên một món ăn mà mỗi thực khách đã từng nếm thử sẽ không thể quên được.

Măng sặt xào tỏi, thịt bò đậm đà

Măng sặt luộc cũng rất độc đáo. Măng luộc mềm, hết vị hăng được chấm cùng bát mẻ đậm vị chua chua càng trở nên thanh mát.

Măng sặt luộc chấm mẻ ăn kèm thêm thịt chua càng đậm vị

Bất kỳ một người dân vùng cao nào đều biết thêm một món được chế biến từ măng sặt. Đó là món măng nướng. Những đứa trẻ tuổi ăn tuổi lớn, rong ruổi trên những triền đồi vương vít làn khói vỡ nương ngày mùa thường nhóm một đống lửa, cho măng chưa bóc vỏ vùi trong than gio nóng. Giữa buổi, đợi đến khi vỏ măng cháy xém là măng chín. Món này giữ nguyên vị thơm ngon của măng. Có thêm chút muối ớt chấm nữa càng đậm vị.

Ngoài ra, măng sặt còn được dùng để om, ninh xương. Để thưởng thức món măng sặt ninh sườn có vị ngon đậm đà, thơm và hấp dẫn, măng sặt được bóc vỏ rồi đập dập, ninh với sườn lợn, cà chua và tỏi, thêm một chút hành, thì là thì bao giờ măng cũng hết trước sườn.

Măng om xương

Hiện nay, măng sặt không chỉ là thực phẩm trong bữa ăn thường ngày mà còn trở thành một đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến với Tuyên Quang, du khách sẽ thấy măng sặt xuất hiện trên bàn ăn của các homstay, phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách phương xa.

Măng sặt chỉ sống hoang dại trên vùng rừng núi nên việc bảo tồn, phát triển và nhân trồng loài măng này là cần thiết, nhất là khi thị trường đang rất ưa chuộng các loại rau rừng và thói quen hướng đến các món ăn sạch đang trở thành một xu hướng của người dân. Măng sặt không chỉ là quà tặng của núi rừng mà còn là một phần văn hóa ẩm thực của đồng bào các huyện vùng cao Tuyên Quang. Những mùa măng sặt đã đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân, là miền ký ức, là nỗi thương nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, về những điều nhỏ bé mà thiêng liêng đã nuôi dưỡng mỗi người lớn lên, trưởng thành./.

Nguyễn Thanh Thủy

Xem tin theo ngày:   / /