Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Thứ Năm, ngày 31 tháng 3 năm 2022 - 16:43 Đã xem: 19498

Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện, ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước là nhiệm vụ hết sức quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thực hiện.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo, dành sự quan tâm, tin tưởng và đánh giá cao vai trò thế hệ trẻ đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Người viết: 

"Một năm khởi đầu từ mùa Xuân
Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ
Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.

Thật vậy, trong mỗi cuộc đời con người, thanh xuân là quãng thời gian tươi đẹp, tràn đầy những ước mơ, hoài bão trong sáng, khát vọng được cống hiến và trưởng thành. Nếu được giáo dục, định hướng tốt, thanh thiếu niên và nhi đồng sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội, cho sự nghiệp cách mạng, phát triển của đất nước. Trong Thư gửi cho Thanh niên ngày 17/8/1947, Người nhắc nhở: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Bởi đây không chỉ là lực lượng tham gia gánh vác những nhiệm vụ hiện tại, mà còn là đội ngũ kế cận, nguồn bổ sung có đủ năng lực để kế thừa và tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng của những thế hệ đi trước. Muốn làm tròn sứ mệnh “người chủ tương lai” của đất nước, Người yêu cầu thế hệ trẻ phải ra sức rèn luyện tinh thần và lực lượng để vừa “hồng”, vừa “chuyên” - vừa có đức, vừa có tài mà trong đó đạo đức là nền tảng của người cách mạng. 

Lý tưởng cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ chính là mục tiêu và con đường của cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trách nhiệm của thế hệ đi trước là phải giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện, xây dựng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, làm tròn trách nhiệm người chủ tương lai của đất nước. Trong “Di chúc” trước lúc đi xa, Bác đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. 

Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo, giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ; vị trí, vai trò của thế hệ trẻ luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Ngày 24/3/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030, trong đó khẳng định: “Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng khẳng định: “Chú trọng cải thiện điều kiện sống, lao động và học tập của thanh niên, thiếu niên, giáo dục và bảo vệ trẻ em”; “Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”. Như vậy, việc chăm lo, phát triển cho thế hệ trẻ vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Đối với tỉnh Tuyên Quang, trong những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện, ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo môi trường thuận lợi để thế hệ trẻ được học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Để tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện, ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của đất nước và của tỉnh, ngày 21/3/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Kế hoạch đã đề ra mục tiêu cụ thể như sau:

Về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng 

- Hằng năm, duy trì 100% thanh niên trong lực lượng vũ trang, thanh niên công chức, viên chức, thanh niên học sinh, sinh viên được tham gia vào các hoạt động do cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 100% thanh niên là học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng mềm; 100% thanh niên học sinh, sinh viên và ít nhất 80% thiếu niên, nhi đồng tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động lao động tập thể trong và ngoài nhà trường; giới thiệu trên 3.000 đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó đến năm 2025 ít nhất 1.600 và đến năm 2030 ít nhất 3.000 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng. 

- Đến năm 2025: đạt trên 80% thanh niên học sinh, sinh viên ở đô thị, trên 70% thanh niên học sinh, sinh viên ở nông thôn, 60% thanh niên học sinh, sinh viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại nơi học tập, làm việc và cư trú; đến năm 2030 đạt trên 85%, trên 75% và 65% các chỉ tiêu tương ứng. 

- Đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt 90% trở lên hộ gia đình được cung cấp kiến thức, kỹ năng về giáo dục đời sống gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền tham gia của trẻ em trong gia đình; phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình. 

- Đến năm 2030 đạt 90% trở lên hộ gia đình cam kết thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. 

Về khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên học sinh, sinh viên 

- Hằng năm, duy trì 100% thanh niên học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% sinh viên trường đại học được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số; 30% ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên học sinh, sinh viên được kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp. Phấn đấu 100% thanh niên học sinh, sinh viên hưởng ứng, xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động vì cộng đồng, xã hội; phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. 

- Đến năm 2025 đạt 25% thanh niên học sinh, sinh viên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống, 25% công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì, 20% thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ; phấn đấu đến năm 2030 đạt 30%, 30% và 25% các chỉ tiêu tương ứng. 

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện. Trong đó, tập chung vào những nội dung: 

Một là, đa dạng hoá nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. 

Hai là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến. 

Ba là, tổ chức hiệu quả các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà trường để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Bốn là, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Năm là, xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Xây dựng môi trường nhà trường dân chủ, lành mạnh, thân thiện. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể.

Sáu là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, cộng tác viên phụ trách công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong các cơ sở giáo dục, tổ chức Đoàn, Hội, Đội.

Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Tám là, phối hợp rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ việc thực hiện chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Chín là, bảo đảm các thiết chế và điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất đáp ứng nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Mười là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát. 

Trước những thời cơ và thách thức hiện nay, hơn lúc nào hết, thế hệ trẻ cần nhận thấy rõ vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của đất nước, từ đó không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ về mọi mặt, trau dồi lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với vai trò là chủ thể tích cực, là lực lượng tiên phong, là người chủ tương lai của nước nhà.  


Phương Linh

Xem tin theo ngày:   / /