Tuyên Quang: Thủ đô Kháng chiến

Thứ Tư, ngày 30 tháng 3 năm 2022 - 18:03 Đã xem: 4951

Ngày 02/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, đánh dấu mốc son để Tuyên Quang tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng chọn làm trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành lại tự do, độc lập cho đất nước.

Minh họa: Tất Thắng

Tuyên Quang là tỉnh có vị trí địa lý trọng yếu và bề dày truyền thống lịch sử, Nhân dân luôn tin tưởng và ủng hộ cách mạng. Vì vậy khi cuộc chiến tranh thế giới dần đến giai đoạn kết thúc, thời cơ giành chính quyền đang đến gần, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhanh chóng nhận thấy Tuyên Quang hội tụ nhiều yếu tố quan trọng để chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, chuẩn bị mọi mặt và trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

Với tầm nhìn chiến lược và dự báo thiên tài, Người thấy rằng sau khi cách mạng thành công, Nhân dân ta sẽ phải tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến để giữ vững nền độc lập. Với thế và lực còn non yếu, ta phải dựa vào vùng nông thôn miền núi, tiến hành kháng chiến lâu dài. Vì vậy cần phải có sự chuẩn bị chu đáo. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trước khi rời Tuyên Quang về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Hữu Kháng, Trần Thị Minh Châu và dặn lại: “Bây giờ ta có chính quyền, chắc các cô các chú muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lênin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy các cô các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn... Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa...”[1].

Tháng 10/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Nguyễn  Lương Bằng lên Tuyên Quang chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa. Tháng 11/1946, Trung ương quyết định thành lập Ðội công tác  đặc biệt do đồng chí Trần Ðăng Ninh chỉ đạo. Thành phần của Đội công tác có đại diện các ngành quân sự, an ninh, chính quyền, đoàn thể... để nghiên cứu việc di chuyển và chọn địa điểm cho các cơ quan. Đến giữa tháng 12/1946, Đội công tác đã chọn những địa điểm thuộc ba huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa làm nơi xây dựng An toàn khu của Trung ương, gọi tắt là ATK.  

Đúng như dự báo của Người, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, khi chiến sự ngày càng lan rộng. Sau khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình và khả năng phòng thủ của ta Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định “Ta trở lại Tân Trào” với niềm tin vững chắc “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Đó là một quyết định mang tính lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng của cuộc kháng chiến. Cũng cho thấy tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc chọn Tuyên Quang làm Thủ đô kháng chiến đã có từ ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 02/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Từ đây Tuyên Quang trở thành trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang luôn là trung tâm, nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Lãnh tụ ở đâu thì thủ đô ở đấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại Tuyên Quang gần 6 năm với các địa danh nổi tiếng như: Hợp Thành, Tân Trào, Kim Bình, Kiên Đài, Kim Quan, Hùng Lợi…Tuyên Quang là nơi “đóng đô” các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và 65 bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc tại 146 địa điểm khác nhau trên địa bàn tỉnh.

Tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng tổ chức nhiều sự kiện trọng đại với những quyết sách lớn về kháng chiến, kiến quốc để xây dựng nền móng của chủ nghĩa xã hội và đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II; Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt; Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; Quốc hội khóa I kỳ họp thứ ba, thông qua Luật Cải cách ruộng; các hội nghị của Bộ Chính trị, các phiên họp của Hội đồng Chính phủ chỉ đạo cuộc tấn công chiến lược Đông xuân 1953 -1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tại chiến khu Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những hoạt động ngoại giao quan trọng như: Làm việc với Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Lào yêu nước Ítxala[2] (các năm 1950, 1951), Đoàn cố vấn Trung Quốc; đại diện các Đảng Cộng sản: Pháp, Thái Lan, Liên Xô… góp phần phá thế bao vây kìm kẹp để nhận được được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước trên thế giới.

Cũng tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều tác phẩm, bài viết, bài phát biểu quan trọng tiêu biểu là tác phẩm “Sửa đối lối làm việc”, góp phần nâng cao nhận thức, đạo đức cách mạng, rèn luyện lối sống cho cán bộ, đảng viên, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh đủ sức lãnh đạo cuộc kháng chiến tiến lên giành thắng lợi.

Thực hiện nghĩa vụ của Thủ đô kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều đóng góp vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Để đảm bảo ổn định nơi sinh hoạt và làm việc cho các cơ quan và đồng bào ở chiến khu, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã đóng góp hàng vạn ngày công, vận chuyển hàng ngàn tấn máy móc, tài liệu…về địa điểm an toàn, xây dựng nhà cửa, lán trại, kho tàng, trụ sở làm việc cho các cơ quan. Tỉnh đã thành lập Ban đón tiếp đồng bào tản cư từ dưới xuôi lên và từ các tỉnh di chuyển đến, quyên góp lương thực, thực phẩm, ủng hộ giống vốn giúp đồng bào nhanh chóng ổn định sản xuất. Để bảo đảm an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao và các cơ quan, tỉnh đã thành lập Ban bảo vệ căn cứ địa, tăng cường công tác bảo vệ vòng ngoài, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Phòng gian bảo mật”, tuần tra canh gác, lập trạm kiểm soát chặt chẽ các ngả đường vào khu vực ATK.

Thực hiện nghĩa vụ hậu phương, Nhân dân Tuyên Quang đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Tích cực chuẩn bị các điều kiện cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra thành công. Tích cực lao động sản xuất để cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến trường, đặc biệt trong chiến dịch Đông xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Tuyên Quang đã huy động 6.519.000 ngày công phục vụ chiến dịch Tây Bắc, cung cấp cho tiền phương 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.657 kg lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh; xây dựng 6 trại điều dưỡng để đón 500 thương, bệnh binh về tuyến sau chăm sóc, điều trị.

Bên cạnh làm nghĩa vụ hậu phương, quân và dân Tuyên Quang đã trực tiếp và phối hợp chiến đấu cùng bộ đội chủ lực đã góp phần làm nên chiến thắng Việt Bắc 1947, chặn đứng kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp với những chiến thắng vang dội như: Bình Ca, KM7, Khe Lau, Cầu Cả...

75 năm trôi qua, kể từ ngày 02/4/1947 Bác Hồ trở lại Tuyên Quang và chọn nơi đây là trung tâm để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập cho dân tộc, Nhân dân Tuyên Quang vẫn luôn tự hào và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, không ngừng đoàn kết, sáng tạo với khát vọng vươn lên để giành được những thành công trên con đường đổi mới. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với những tình cảm sâu đậm mãi in trong tâm khảm mỗi người dân Tuyên Quang. Hình ảnh ấy được Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu tạc thành bức “tượng đồng” với hai câu đối “Ánh sáng rực Tuyên Quang hồng nhật soi dài muôn dặm đất/Khí thiêng trùm Việt Bắc đẩu tinh định hướng triệu con người”.


[1] Những ngày sóng gió, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1985, tr.103-106.

[2] Xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) là nơi Chính phủ kháng chiến Lào, Mặt trận Lào yêu nước Ítxala đặt trụ sở làm việc những năm 1950-1951.

Bùi Hữu Thêm

Xem tin theo ngày:   / /