Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, nghệ thuật

Thứ Ba, ngày 5 tháng 4 năm 2022 - 15:48 Đã xem: 2487

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, không chỉ là nhà thơ, nhà văn lớn, Người còn là nhà văn hóa lớn. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ  tịch Hồ Chí Minh đã từng để lại nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng đối với việc xây dựng nền văn nghệ mới. 

Đoàn Ca múa Nhân dân chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ. Ảnh tư liệu.

Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa đăng Báo Cứu quốc, số ra ngày 05/01/1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Bằng câu nói giản dị xúc tích, Bác Hồ đã thâu tóm một cách đầy đủ và sâu sắc bản chất xã hội của văn học, nghệ thuật , đồng thời chỉ ra chỗ đứng mới của nghệ sĩ cách mạng trong thời đại kháng chiến.

Văn học nghệ thuật bao giờ cũng là một mặt trận nóng bỏng. Vì ở đấy luôn  diễn ra cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái nhân ái, nhân văn với cái phi nhân văn, cũng như giữa địch và ta, giữa ác và thiện một cách gay gắt quyết liệt. Nó cũng như mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế. Xem nó là “một mặt trận” là nhằm nhấn mạnh tinh chất chiến đấu của nền văn học vô sản, nhấn mạnh tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh trên mặt trận này. Tuy không có tiếng súng, kẻ thù không trực tiếp, nhưng mặt trận này rất phức tạp và quyết liệt.

Với câu nói giản dị của Người Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chi rõ vai trò, tác dụng, vị trí của văn học đối với xã hội mà còn khắc họa rõ nét hình ảnh người nghệ sĩ kiểu mới. Đó là người nghệ sĩ hoạt động với tư cách là người chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ. Người nghệ sĩ ấy phải thừa nhận văn học phục vụ cách mạng, đấu tranh cho sự thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và chủ nghĩa xã hội. Bằng hoạt động văn học, bằng những hình tượng nghệ thuật cao đẹp, sinh động, có tác dụng to lớn trong việc giáo dục, xây dựng tình cảm lành mạnh, phong phú cho người đọc, nhà văn phải góp phần tích cực cho sự chiến thắng của cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ. Như vậy là lời căn dặn của Bác trên đây đã thể hiện rõ yêu cầu tính Đảng của người nghệ sĩ và khẳng định tính chiến đấu của văn nghệ cách mạng. Lời dạy ân cần của Bác ra đời giữa lúc cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta đang bước vào một cuộc thử thách gay go quyết liệt nhất. Hơn lúc nào hết, lúc này cần khẳng định tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh cho toàn dân. Cho nên lời dạy của Bác chủ yếu nhằm nhắc nhở văn nghệ sĩ lập trường, tư tưởng vững vàng, xác định vị trí quan trọng của mình đối với Tổ quốc trong giờ phút thiêng liêng này. Người nghệ sĩ cần hoạt động theo phương châm văn hóa kháng chiến và kháng chiến văn hóa. Một lần nữa lời dạy của Bác nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác mài sắc ý chí chiến đấu của người nghệ sĩ. Bởi kẻ thù luôn luôn tìm cách tiến công trên mặt trận văn hóa, gieo rắc nọc độc tư tưởng hòng làm lung lay tinh thần cách mạng, kháng chiến của chúng ta trên mặt trận không tiếng súng này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nhận là “một người yêu chuộng văn nghệ chứ không phải là một nhà văn nghệ”. Nhưng người nhận xét về vai trò của văn nghệ thật sâu sắc. Người đã phát biểu cảm tưởng bằng thơ khi đọc tập thơ chọn lọc Đường, Tống của “nghìn nhà thơ”:

 "Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp,

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong"

Nhà thơ cũng phải biết xung phong"Ngày 3-2-1962 (tối 29 tết âm lịch), trong buổi chúc tết các nhà khoa học - kỹ thuật, văn nghệ sĩ, Anh hùng lao động, Anh hùng quân đội, nhân sĩ..., Người ra câu đối để các cụ, các đồng chí đối lại:

"Muốn cho xã hội đều xuân

Nhân sĩ phải là chiến sĩ " 

  Đó chính là tinh thần của kháng chiến văn hoá và văn hoá kháng chiến. Tinh thần này thật sự độc đáo và sâu sắc ở chỗ, nó có ý nghĩa đối với toàn thể nhân loại, sống mãi với thời gian. Người quan niệm nhà văn, nhà báo của mọi dân tộc vừa góp phần quý báu trong việc trao đổi văn hoá giữa các dân tộc, vừa góp phần xứng đáng trong phong trào chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, đoàn kết các dân tộc để đấu tranh cho độc lập, hoà bình, dân chủ và hạnh phúc cho cả loài người trên thế giới .

Kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí và vai trò của văn hóa, nghệ thuật, coi văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực phát triển kinh tế -xã hội, tỉnh đã quan tâm lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xác định mục tiêu xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện, hướng đến chân- thiện- mỹ, kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến; có tinh thần yêu nước, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nhân hậu, mến khách. Đặc biệt xây dựng và phát triển văn hóa và con người Tuyên Quang trở thành nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đặng Quang

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 293 | Trang: 1 trên tổng số 30 trang  
Xem tin theo ngày:   / /