Gốc vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân

Thứ Hai, ngày 18 tháng 4 năm 2022 - 14:00 Đã xem: 11556

Nhà nước dân chủ Nhân dân là nhà nước phục vụ Nhân dân, đem lại lợi ích cho Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó. Đến lúc quốc dân đoàn kết tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh vác việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục, cố gắng, cũng vì mục đích đó.

Bác Hồ luôn gần gũi với người nông dân (Ảnh: Tư liệu)

Trong bức điện chia buồn Đảng ta khi Bác mất, chủ tịch Phiden, nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc về một lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt”. Thời gian đã minh chứng điều đó: Dù Bác mất, nhưng tư tưởng, nhân cách và những tấm gương đạo đức của Bác, tiêu biểu cho giá trị con người thì được truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy mà Bác bất tử trong lòng dân tộc và trong lòng nhân loại tiến bộ.

Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ

Tránh nói to và đi nhẹ cả trong vườn

Tim đau hết nỗi đau người ở chân trời góc bể

Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn

                                                                (Việt Phương).

Theo Người, Nhà nước phải:

“Làm cho dân có ăn

Làm cho dân có mặc

Làm cho dân có chỗ ở

Làm cho dân có học hành”[1].

Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên cận vệ Bác kể lại, 12h đêm giao thừa, Bác mặc áo bông, quần vải gụ, đi dép cao su tìm đến thăm nhà của một người nghèo nhất HN như cận vệ Bác báo về, đó là gia đình một người gánh nước thuê. Người quan tâm đến đời sống của mọi người dân, dù họ là người nghèo khổ nhất.

Nhà nước vì dân là Nhà nước không làm thay Nhân dân mà phải hướng dẫn cho Nhân dân tự chăm lo, thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích của mình.

Nhà nước vì dân là Nhà nước do chính nhân dân tự xây dựng nên, sự tồn tại và hoạt động của Nhà nước là phải vì quyền lợi của toàn thể Nhân dân lao động, chứ không phải vì quyền lợi của một nhóm người hay một tập đoàn xã hội nào đó như ở các chế độ xã hội khác.

Nhà nước vì dân là Nhà nước đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước đều phải nhằm phục vụ cho lợi ích của nhân dân: Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức  tránh.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, vai trò, sức mạnh của quần chúng Nhân dân đã tạo nên sức mạnh to lớn đưa nc ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, vượt qua mọi giông bão của thời đại. Từ quan niệm : “Quan nhất thời, dân vạn đại” trong nhân gian, đến “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, hay quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển. Theo Người, “dân là gốc nước”, “dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”, “Gốc có vững thì cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Nhận thức đc vai trò, sức mạnh của quần chúng Nhân dân, nên phải yêu dân, kính dân, tôn trọng dân là vì lẽ như vậy.

Do đó, phải thường xuyên chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí cho Nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, một người cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm đối với Nhân dân, công việc và đối vs chính mình. Thực hiện trách nhiệm với dân là phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Người nói : “Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân…Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”[2]. Dân chỉ biết đến giá trị của độc lập tự do khi dân được ăn no, mặc đủ.

Cán bộ phải đặt lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc lên trên, lên trước hết.

Năm 1947, trong cuốn sách “Sửa đổi lề lối làm việc” để huấn luyện về lề lối làm việc của cán bộ, một trong những điều Bác viết: Bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của Nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Trước khi đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Bác căn dặn: Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân.

Bác còn dạy: Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của Nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho Nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ... Bác Hồ căn dặn: Chúng ta có trọng dân, yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.... 

Để gần dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nguyên tắc "Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm"[3]. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng mà phải biết lắng nghe, phân tích những ý kiến, sáng kiến của Nhân dân để từ đó kiểm định chủ trương, chính sách, pháp luật và việc làm của cán bộ, đảng viên, tìm ra cái hay để phát triển và cái dở để sửa chữa. Có tâm với dân thì sẽ làm tốt điều đó.

Nhà nước vì dân là Nhà nước phải biết kết hợp, điều chỉnh các loại lợi ích khác nhau giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội,các bộ phận dân cư để luôn được Nhân dân ủng hộ, xây dựng. Nhà nước vì dân là Nhà nước phải thật sự liêm khiết, trong sạch, vững mạnh, sáng suốt, tránh quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng quan niệm: “dân là gốc”, dân là chủ thể, dân là trung tâm; dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; từ đó, chủ trương thân dân, tin dân, trọng dân, gần dân, sát dân, hiểu dân, yêu dân, kính dân, vì dân. Đây là sự chắt lọc tinh túy truyền thống lịch sử; sự bổ sung, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế của thời đại.

Như vậy, nhà nước là đại diện quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước đều phải phản ánh lợi ích của đa số Nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đối với Tuyên Quang, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định nội dung chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 với chủ đề là: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng tỉnh Tuyên Quang có nền hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả; môi trường xanh - sạch - đẹp; kinh tế phát triển nhanh, bền vững”. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã xây dựng Đề án “Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Việc đưa Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4, tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích. Qua đó giảm chi phí thấp nhất và tạo sự hài lòng nhất cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.   Điều đó cho thấy, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nền hành chính phục vụ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng “Dân là gốc của nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được Tuyên Quang vận dụng sáng tạo vào trong giai đoạn hiện nay.

Suy cho cùng, sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân, được lòng dân. Muốn được lòng dân, có lòng dân thì toàn bộ hoạt động của Đảng cũng như mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhằm vào mục đích vì lợi ích của Nhân dân. Thực hiện đầy đủ, có chất lượng quyền và nghĩa vụ công dân, đặc biệt không chỉ là tôn trọng mà phải tạo cơ chế để dân phát huy đầy đủ, có hiệu quả quyền làm chủ của mình. Có như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và tiến bộ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước hiện thực hoá mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mộc Miên

 

*Bài “6 điều không nên và 6 điều nên làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (In trong sách Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ nhất, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, t.5, tr. 77-79.

[1]HCMTT, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr.175.

[2]HCMTT, Nxb CTQG, H.2011, t.9, tr.518.

[3]HCMTT, Nxb CTQG, H.2011, t.5, tr.334.

 

Xem tin theo ngày:   / /