Chống chủ nghĩa cá nhân trong văn học, nghệ thuật

Thứ Tư, ngày 27 tháng 4 năm 2022 - 08:40 Đã xem: 1184

Văn học, nghệ thuật Việt Nam là nền văn học, nghệ thuật yêu nước, nhân văn, gắn bó máu thịt với Nhân dân và dân tộc; đã trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Xây dựng và phát triển Văn học, nghệ thuật Việt Nam là nhiệm vụ cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển của đất nước. Nhân dịp triển lãm Hội hoạ năm 1951, trong thư gửi các học sỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”. Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn coi trọng và khẳng định vai trò của văn học, nghệ thuật đối với xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam, được thể hiện tập trung trong Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ chính trị (khóa VI), được phát triển toàn diện và sâu sắc trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI). Tại các nghị quyết này, Đảng ta đã xác định: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người”.

Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực tinh thần đặc thù gắn liền với cái tôi chủ thể, sáng tạo bằng cái tôi cá nhân. Cái tôi phải hằn rõ mới có thể làm nên cái cá biệt, cái riêng, vốn là những tiền đề cơ bản để tạo ra cái bản sắc, tạo ra những tác phẩm hay, có giá trị riêng biệt; cái tôi cá nhân đó không được nhận thức đúng đắn, trong sáng dễ xa vào “chủ nghĩa cá nhân”. Trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường như hiện nay, nếu người nghệ sĩ thiếu bản lĩnh, không tỉnh táo sẽ dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt... dễ đi về phía tiêu cực, có hại, xa vào “chủ nghĩa cá nhân”. Mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”. Một biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa cá nhân trong lĩnh vực văn hoá,văn nghệ ở mọi thời kỳ là thoát ly cuộc sống, xa lạ với tư tưởng, tâm hồn, cách nghĩ, cách cảm của người lao động, chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường; cá biệt lại có những suy nghĩ viết để nổi danh, có tên tuổi, muốn thế phải “gây hấn”, phải viết ngược, phải tạo scandal để gây chú ý, tác phẩm không chịu kế thừa tinh hoa truyền thống, không chịu tiếp thu giá trị văn hóa nhân loại nên thiếu chiều sâu, hàm lượng văn hóa thấp, nhạt nhẽo, thiếu chức năng giáo dục. 

Để văn học, nghệ thuật thực sự phát huy vai trò, sứ mệnh trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người và giải quyết các vấn đề nêu ở trên, nhất là việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong văn học, nghệ thuật cần quan tâm thực hiện một số vấn đề sau:

Một là, hoàn thành việc thể chế hóa quan điểm đường lối, chủ trương, định hướng phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam thành luật, nghị định, cơ chế chính sách cụ thể để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển các loại hình văn học nghệ thuật, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sỹ bám sát thực tiễn cuộc sống trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Hai là, đặc biệt quan tâm việc bồi dưỡng tư tưởng, chính trị, quan điểm, lập trường cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Bởi, tư tưởng là quá trình hình thành lâu dài, từ thấu hiểu sâu sắc cuộc sống đến thấu cảm, đồng điệu, hòa nhập vào hình tượng, tiếp nhận, chia sẻ, lan tỏa đến cuộc sống đời thường; từ đó có thể truyền cảm một cách sâu xa qua lăng kính nghệ thuật tới đối tượng tiếp nhận. 

Ba là, quan tâm quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cán bộ trực tiếp chỉ đạo quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật để có nhận thức đúng về vị trí vai trò, đặc trưng của văn học, nghệ thuật, có phương pháp lãnh đạo, quản lý lĩnh vực đặc thù này. Các cấp ủy Đảng và chính quyền đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị.

Bốn là, tăng cường hơn nữa sự định hướng của các cơ quan quản lý và tiếng nói chuyên môn, chuyên gia cao cấp. Đây là nơi đóng vai trò vừa là cánh tay nối dài của Đảng, của Nhà nước vừa là ngôi nhà chung, là điểm tựa của văn nghệ sĩ về tư tưởng, tình cảm, nghiệp vụ; đồng thời là sự khẳng định có trọng lượng học thuật cao nhất về lĩnh vực văn học nghệ thuật. 

Năm là, tăng cường vai trò lãnh đạo của hội chuyên ngành. Thường xuyên tổ chức các trại sáng tác, chuyến đi dài ngày thâm nhập vào thực tế để người nghệ sĩ được cảm nhận và hoà mình vào các lăng kính của cuộc sống, từ đó làm giàu cảm xúc, sự cảm thông và chia sẻ với người lao động, tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật, nảy sinh tư tưởng nghệ thuật mới phù hợp với sự phát triển.
 

Phương Linh

Xem tin theo ngày:   / /