Di sản tư tưởng quân sự của dân tộc - nguồn gốc quan trọng góp phần hình thành tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, ngày 29 tháng 4 năm 2022 - 13:35 Đã xem: 708

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc giá trị to lớn di sản quân sự của dân tộc, đã khẳng định rằng, chúng ta còn có nền quân sự quý giá của ông cha. Viết về truyền thống quân sự của dân tộc, Người nêu rõ: Chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vẻ vang của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, vv... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng. Hiểu và nắm vững sâu sắc truyền thống quân sự của dân tộc, nên trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh vừa tiếp thu học thuyết quân sự Mác - Lênin, vừa kế thừa và phát triển truyền thống quân sự của dân tộc lên một trình độ mới, phù hợp với đặc điểm của thời đại chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Bác Hồ thăm đơn vị bộ đội diễn tập tại Bắc Giang (Ảnh: Tư liệu)

Người kế thừa và phát triển truyền thống quân sự của dân tộc về vũ trang toàn dân, cả nước cùng đánh giặc trên cơ sở chăm lo xây dựng nền tảng xã hội bền vững, dựa vào dân, lấy dân làm gốc.

Từ kinh nghiệm lịch sử đấu tranh giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc kết hợp với những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, các vị anh hùng dân tộc, tiêu biểu là Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Trãi, đã đúc kết thành những nguyên lý giữ nước. Thứ nhất, phải tăng cường khối đoàn kết "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, nước nhà chung sức" (Trần Quốc Tuấn). Thứ hai, phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, rời dân nhất định thất bại. Muốn thế "phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc" (Trần Quốc Tuấn); phải "yêu thương và nuôi dưỡng dân chúng nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hận sầu than" (Nguyễn Trãi).

Thực tế lịch sử cho thấy, nhiều triều đại đã thực hiện một số chính sách tiến bộ, phù hợp lòng dân, chăm lo bồi dưỡng sức dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân bằng nhiều biện pháp, trước hết là tạo điều kiện cho kinh tế nông nghiệp phát triển.  Ngoài ra, còn phải kể đến chính sách xã hội, nhiều triều đại đã quan tâm đến lợi ích của tầng lớp Nhân dân, nhất là tầng lớp lao động nghèo, vì đó là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng lực lượng vũ trang cũng như trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Đặc biệt, chế độ "ngụ binh ư nông" (binh gửi trong nông) được áp dụng từ thời Lý, Trần, Lê là một phương thức kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Truyền thống đó được Hồ Chí Minh kế  thừa, vận dụng và phát triển trong điều kiện mới của lịch sử. Ngay trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, Người đã kêu gọi toàn dân đoàn kết, đồng lòng hành động cứu nước, cứu nhà. Trong một bức thư "Kính cáo đồng bào" (6-6-1941), Người đã viết: Đồng bào ta quyết nối gót người xưa, phấn đấu hy sinh đặng phá tan xiềng xích. Người nhắc nhở: "Dân ta xin nhớ chữ đồng. Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh"[1]. Về sau nhấn mạnh vấn đề đoàn kết, Người khẳng định: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Người giải thích: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết" không phải là một điệp từ nhấn mạnh, mà mỗi từ có nội dung riêng. Đó là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn Đảng, giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đó là đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó là đoàn kết quốc tế, trước hết là đoàn kết giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Quan điểm đoàn kết của Người là sự kế thừa và phát triển quan điểm đoàn kết của người xưa theo ba tầng nấc: vua tôi - anh em - cả nước lên một trình độ mới.

Tiếp nối truyền thống tổ tiên, Người coi trọng yếu tố chính trị tinh thần, chuẩn bị cho toàn dân bước vào kháng chiến với "tín tâm và quyết tâm" cao. Hội nghị chính trị đặc biệt (1964) là một cuộc Hội nghị Diên Hồng trong thế kỷ XX nhằm phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của toàn dân, toàn quân, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Thực tế lịch sử hai cuộc kháng chiến cho thấy tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam được phát huy cao độ, Nhân dân tự nguyện đứng vào hàng ngũ chiến đấu. Đó là điều kiện đảm bảo để quan điểm vũ trang toàn dân được thực hiện, khởi nghĩa vũ trang sâu đậm tính chất toàn dân, nhân dân cả nước cùng đứng lên đánh giặc cứu nước, cứu nhà, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân nhấn chìm lũ bán nước và quân cướp nước.

Kế thừa truyền thống đánh giặc độc đáo của tổ tiên, suốt quá trình lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng luôn chủ động chuẩn bị lực lượng và điều kiện, tạo ra và đón lấy thời cơ trong khởi nghĩa vũ trang, trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Người cùng Trung ương Đảng hoạch định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ; sáng suốt lãnh đạo toàn dân, toàn quân đánh địch theo cách đánh của ta, hạn chế ưu thế vũ khí của quân xâm lược; thực hành chiến tranh nhân dân rộng rãi, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; vừa đánh địch vừa bồi dưỡng sức ta, khoét sâu chỗ yếu chí tử của quân xâm lược là tiến hành chiến tranh phi nghĩa. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sau thắng lợi to lớn, toàn diện của quân dân ta trên khắp các chiến trường, Người cùng với Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược ở Điện Biên trên miền Tây Bắc, đánh bại ý chí xâm lược của đối phương, giải phóng miền Bắc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sau nhiều chiến dịch thắng lợi to lớn của quân và dân ta, do kẻ thù của dân tộc là một siêu cường trong thế giới tư bản, nên Người và Trung ương Đảng chủ trương "chống rèm cho nó ra", thực hiện vừa đánh vừa đàm. Quán triệt tư tưởng quân sự của Người, khi Mỹ buộc phải rút quân, phát huy ưu thế, thế trận của chiến tranh nhân dân, Đảng lãnh đạo toàn dân đánh cho "ngụy nhào" bằng một chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn đất nước, thống nhất Tổ quốc thân yêu.

Người kế thừa và phát triển truyền thống xây dựng quân đội "cốt tinh", mấu chốt rèn luyện là đội ngũ cán bộ giỏi.

Nét đặc sắc trong truyền thống dân tộc về xây dựng quân đội là coi trọng yếu tố chất lượng "quân quý ở tinh nhuệ". Theo phương châm đó, quân đội Đại Việt trong nhiều triều đại tuy không đông lắm về số lượng nhưng đặc biệt tinh nhuệ, thiện chiến, đã đánh bại nhiều quân đội xâm lược như quân Tống thời Lý, quân Mông - Nguyên thời Trần, quân Minh thời Lê Sơ, quân Thanh thời Tây Sơn...

Để xây dựng quân đội mạnh, dân tộc ta đặc biệt quân tâm giải quyết hai khâu then chốt. Thứ nhất, tuyển chọn và rèn luyện đội ngũ tướng lĩnh có năng lực chỉ huy, tài trí, trung thành, quân sĩ thiện chiến. Thứ hai, giáo dục sự đoàn kết nhất trí chung sức chung lòng của tướng sĩ để có được "đội quân một lòng như cha con". Cả hai khâu then chốt đó, không những được tổ tiên ta đề cập trong binh pháp mà còn được vận dụng nhuần nhuyễn trong thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang trong các thời kỳ lịch sử. Ngoài ra,  Binh thư yếu lược nhấn mạnh : "Binh lấy tướng làm gốc, quân lấy tướng làm chủ". Do đội ngũ tướng lĩnh có vai trò như vậy, nên người làm tướng nhất thiết phải đủ năm phẩm chất không thể thiếu. Đó là: Dũng, Trí, Nhân, Tín, Trung.

Kế thừa và phát triển truyền thống quân sự của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng quân đội có chất lượng cao, vững mạnh toàn diện. Người nhấn mạnh: Vệ quốc quân, dân quân du kích phải luôn luôn phát triển cái đạo đức Trí, Dũng, Liêm, Trung của Giải phóng quân. Nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ năm (8-1948), Người khẳng định lại một lần nữa: Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung". Đồng thời, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ phải cố gắng học tập. Người chỉ rõ: “Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng. Cho nên các chú phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu... Tóm lại là học để nâng cao trình độ của người chỉ huy”[2].

Người còn dặn: "Cán bộ phải thương yêu đội viên. Đối với anh em ốm yếu, thương tật, cán bộ phải trông nom thăm hỏi. Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên. Cán bộ có thân với đội viên như chân tay, thì người đội viên mới thân với cán bộ như ruột thịt"[3]. Theo Người, cán bộ phải đồng cam cộng khổ với chiến sĩ, có như vậy sẽ thông cảm, hiểu biết nhau hơn. Do đó, khi cán bộ dẫn đội viên đi đâu, dù nguy hiểm mấy, học cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh.

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là sự kết hợp sáng tạo truyền thống quân sự dân tộc với tinh hoa quân sự nhân loại mà cốt lõi là học thuyết quân sự Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng ở Việt Nam. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh không chỉ là ngọn cờ dẫn dắt Nhân dân ta giành thắng lợi trong cách mạng và kháng chiến chống đế quốc xâm lượng trước đây, mà còn là ánh sáng soi đường cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Mộc Miên

 

[1]: HCMTT: NXB CTQG, H.2011, t.3, tr.266

[2]: HCMTT: NXB CTQG, H.2011, t.7, tr.218

[3]: HCMTT: NXB CTQG, H.2011, t.6, tr.458

Xem tin theo ngày:   / /