Na Hang một chặng đường xây dựng và phát triển

Chủ nhật, ngày 1 tháng 5 năm 2022 - 13:33 Đã xem: 1609

Na Hang là một huyện miền núi, vùng cao, nằm ở phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang có vị thế chiến lược quan trọng và truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Na Hang còn được biết đến là vùng đất thơ mộng, non nước giao hòa, đẹp như một bức tranh thủy mặc, với rất nhiều truyền thuyết và những câu truyện cổ tích đầy ý nghĩa về đất trời, thiên nhiên, văn hóa, con người.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm 75 năm thành lập
Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên huyện Na Hang.

Na Hang là một huyện miền núi, vùng cao, nằm ở phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang có vị thế chiến lược quan trọng và truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Na Hang còn được biết đến là vùng đất thơ mộng, non nước giao hòa, đẹp như một bức tranh thủy mặc, với rất nhiều truyền thuyết và những câu truyện cổ tích đầy ý nghĩa về đất trời, thiên nhiên, văn hóa, con người.

Cùng với các địa phương trong tỉnh, từ năm 1940 đến 1945, phong trào cách mạng ở Na Hang phát triển sôi nổi, đến tháng 5-1945, chính quyền cách mạng đã được thành lập ở tất cả các xã trên địa bàn huyện. Ngày 7-6-1945, một cuộc mít tinh được tổ chức tại Bắc Vãng (Côn Lôn) và thành lập chính quyền cách mạng Nà Hang. Đại biểu nhân dân các xã bầu ra Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời gồm 5 đồng chí; Châu Nà Hang được đổi tên thành Châu Xuân Trường. Châu Xuân Trường ra đời là một dấu mốc, bước ngoặt trọng đại trong lịch sử phát triển của huyện Nà Hang.

Đặc biệt, tháng 4/1947, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Na Hang ra đời. Đây là bước ngoặt lịch sử, là tiền đề vô cùng quan trọng quyết định sự lớn mạnh của huyện Na Hang như ngày hôm nay. Ngay sau khi được thành lập, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Na Hang đã tích cực phát triển cơ sở cách mạng, bồi dưỡng kết nạp quần chúng ưu tú vào đảng và lãnh đạo, phát động mạnh mẽ phong trào đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước trong các tầng lớp nhân dân.

 Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Na Hang vinh dự được nhiều cơ quan Trung ương chọn đặt các cơ sở phục vụ kháng chiến như: Xưởng Quân khí H52, do đồng chí Ngô Gia Khảm phụ trách tại Bản Cài (xã Đức Xuân) là nơi sản xuất thuốc súng phục vụ quân đội, Xưởng quân giới TD86, do ông Ngô Gia Tường làm giám đốc đặt tại Hang Khào, xã Năng Khả từ năm 1948 đến năm 1950 (nay thuộc thị trấn Nà Hang); Cơ quan Ấn loát đặc biệt thuộc Bộ Tài chính; Xưởng sản xuất diêm tiêu đóng tại xã Trùng Khánh; Kho muối của Bộ Tài chính đóng tại Pác Khèn, Gốc Sấu (nay thuộc thị trấn Nà Hang) từ năm 1947 đến năm 1955, Trại giam số 1 của Bộ Công an đóng tại Pác Chóm, xã Trùng Khánh từ năm 1952 đến năm 1955; Trại giam sĩ quan, tù binh Pháp tại Nà Reo, xã Năng Khả năm 1954; Kho bạc và xưởng in của Bộ Tài chính tại hang Thẳm Đăm, xã Trùng Khánh năm 1947....

Là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, trong những năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân và đế quốc xâm lược, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Na Hang đã tích cực tham gia chiến đấu và làm tốt công tác hậu phương, cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoàn thành sứ mệnh cao cả của "Thủ đô khu giải phóng", "Thủ đô kháng chiến", biết bao người con của quê hương Na Hang không quản ngại hy sinh, gian khổ, xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc, cùng với quân và Nhân dân cả nước viết nên trang sử hào hùng giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc, cho quê hương.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Na Hang đã giành nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế của huyện tăng trưởng nhanh; hoạt động kinh doanh, sản xuất của Nhân dân ngày càng phát triển, đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa đặc sản, có thương hiệu hấp dẫn du khách khắp mọi miền Tổ quốc như: Chè Shan Tuyết, rượu ngô men lá, cá đặc sản lòng hồ... Đời sống của Nhân dân được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 21%. Na Hang còn là một trong những địa phương bảo tồn, giữ gìn hệ sinh thái động thực vật tốt nhất trong cả nước, tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 78%. Văn hóa truyền thống của cộng đồng 12 dân tộc trong huyện được gìn giữ và phát huy, tạo nên những giá trị đời sống tinh thần đặc sắc, riêng có của Nhân dân các dân tộc huyện Na Hang. Quốc phòng, an ninh của huyện được giữ vững. Đặc biệt, huyện Na Hang vinh dự được lựa chọn là địa điểm để xây dựng công trình Thủy điện Tuyên Quang, công trình trọng điểm Quốc gia; huyện Na Hang, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và cùng các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh hoàn thành công tác di dân, tái định cư hơn 4.000 hộ với trên 20.400 nhân khẩu để bàn giao mặt bằng xây dựng công trình phục vụ cho lợi ích Quốc gia và sự phát triển của tỉnh, của huyện. Hồ thủy điện Na Hang hiện nay, có diện tích mặt nước hơn 8.000 ha, tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp, phong cảnh hữu tình, nên thơ, được ví như "Hạ Long giữa đại ngàn", là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ và du khách khi đến với Na Hang.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của huyện được chú trọng và đạt nhiều thành tựu. Từ 01 chi bộ đầu tiên được thành lập tháng 4/1947 với 04 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện Na Hang có 35 tổ chức cơ sở đảng, với hơn 4.200 đảng viên. Đảng bộ luôn phát huy và làm tốt vai trò lãnh đạo xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng, an ninh của địa phương; cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn nêu cao tinh thần cách mạng, vững tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.         

Nếu như trước đây, khi nói đến Na Hang, chúng ta thường nghĩ đến một vùng đất ở cuối cùng, nơi xa xôi, khó khăn của tỉnh Tuyên Quang. Bởi lẽ, nguồn gốc tên gọi "Nà Hang" bắt nguồn từ tiếng Tày là nghĩa là “ruộng cuối”. Nhưng, hôm nay mỗi người con Na Hang thật tự hào chứng kiến quê hương đã thực sự đổi thay tích cực, là miền đất tươi đẹp, non nước giao hòa, là địa danh được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến với những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, hoà quyện giữa cảnh quan thiên nhiên đa dạng sinh học với văn hoá truyền thống của các dân tộc phong phú, đa dạng, giàu bản sắc và sự chân tình, thân thiện, mộc mạc của con người Na Hang đã tạo nên sức hấp dẫn riêng có, thu hút, để lại ấn tượng tốt đẹp, khó phai đối với du khách có dịp đến với Na Hang./.

N.T.B.H

 

Xem tin theo ngày:   / /