Những đóng góp, chi viện của quân và dân Tuyên Quang trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ Sáu, ngày 6 tháng 5 năm 2022 - 07:47 Đã xem: 1918

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ- đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 là chiến công chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng quân, dân cả nước, với vị thế là Thủ đô kháng chiến, quân và dân tỉnh Tuyên Quang đã có những đóng góp và chi viện đắc lực cho chiến dịch toàn thắng. Những đóng góp và chi viện đó có thể khái quát tại mấy điểm chính:

Ảnh minh họa

Một là, bảo vệ an toàn tuyệt đối căn cứ địa, an toàn khu của trung ương, trung tâm lãnh đạo toàn bộ chiến dịch: Ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Ngày 2/4/1947 Chủ Tịch Hồ Chí Minh về đến Làng Sảo, xã Hợp Thành (huyện Sơn Dương), đây là nơi ở làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người trở lại Việt Bắc lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc tại gần 20 địa điểm khác nhau trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với tổng thời gian gần 6 năm. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 65 ngành, đoàn thể, cơ quan, cơ sở kinh tế, quân sự (trong đó có 13/14 bộ, cơ quan ngang bộ) đặt nơi ở, làm việc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Là Thủ đô kháng chiến, An toàn khu của trung ương, Tuyên Quang từng bước được xây dựng vững chắc, toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự…có những đóng góp xứng đáng vào các chiến dịch quân sự lớn.

Vào Đông Xuân 1953 - 1954, ATK Kim Quan (huyện Yên Sơn) là nơi ở, làm việc chủ yếu của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là tổng hành dinh chỉ đạo toàn bộ chiến dịch; nơi Bác Hồ và Trung ương hàng ngày theo dõi sát sao diễn biến chiến trường và tình hình trong, ngoài nước để đưa ra những quyết sách quan trọng, bảo đảm thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với vai trò và vị trí như vậy, việc bảo vệ an toàn tuyệt đối trung tâm lãnh đạo kháng chiến, trung tâm lãnh đạo chiến dịch là nhiệm vụ số một của quân và dân Tuyên Quang. Thực hiện nhiệm vụ này, những biện pháp về phòng gian được đặt ra cụ thể cho các địa phương. Các xã trong khu căn cứ thường xuyên đôn đốc việc canh gác trên các nẻo đường hiểm yếu, độc đáo; tổ chức đội danh dự trừ gian được tuyển chọn từ những người trong công an xung phong và dân quân tình nguyện. Các cấp chính quyền, đoàn thể các cơ quan chuyên môn tăng cường làm nhiệm vụ canh gác, cảnh giới ở đầu mối giao thông quan trọng và những nơi đông người, giải thích cho nhân dân hiểu rõ nhiệm vụ phòng gian, bảo mật và phát động thi đua giữ bí mật trong nhân dân. Lòng dân cách mạng hoà quyện cùng thế núi sông hiểm trở đã trở thành bức tường vững chắc bảo vệ an toàn tuyệt đối trung tâm lãnh đạo kháng chiến, trung tâm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hai là, xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang và tuyển quân bổ sung cho các đơn vị chủ lực: Cuối năm 1953 tỉnh đã hoàn chỉnh biên chế lại lực lượng bộ đội địa phương theo quy định của Liên khu. Năm 1954 tỉnh có 1.734 đội viên du kích, trung bình mỗi xã có 1 tiểu đội với biên chế 10 người. Trên địa bàn tỉnh, việc động viên tòng quân, huấn luyện tân binh bổ sung cho bộ đội chủ lực có nhiều hình thức sáng tạo, đạt kết quả tốt, trong đó điển hình là việc xây dựng các "Đại đội dự bị" một hình thức bổ sung quân vừa nhanh vừa tiết kiệm ngân sách. Năm 1954 tỉnh đã tuyển quân được 581 người trong đó bổ sung cho lực lượng chính quy được 349 người. Ngoài việc bảo vệ cầu đường, bộ đội địa phương Tuyên Quang còn điều 5 đại đội làm nhiệm vụ giải tù binh, truy quét biệt kích trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ba là, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống, kịp thời chi viện cho tiền tuyến: Nằm ở vị trí có những tuyến đường chiến lược, mạch máu nuôi dưỡng chiến dịch, Tuyên Quang là mục tiêu đánh phá của máy bay địch. Chính vì vậy công tác bảo vệ, sửa chữa cầu đường là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách trong công tác hậu phương. Để bảo vệ giao thông vận tải, toàn tỉnh thành lập hai đội sửa chữa (216 và 217), tỉnh đội thành lập đại đội phòng không, các xã có đội bảo vệ từ 10 đến 15 người để tuần tiễn bảo vệ đường, nơi cất giấu ô tô, phát hiện bom nổ chậm. Dọc các tuyến đường, công tác bảo vệ cầu đường được đưa vào các tổ sản xuất, vừa sẵn sàng sửa đường ngay khi địch bắn phá vừa làm biển báo "có máy bay", cọc tiêu chỉ đường cho xe chạy đêm...

Tháng 7/1953 Tuyên Quang mở chiến dịch cầu đường huy động 1.021.136 ngày công sửa chữa toàn bộ hệ thống đường dài 168 km. Bước vào thời điểm quyết định của chiến dịch Điện Biên Phủ, Tuyên Quang đã huy động 1.854.360 ngày công với tổng số 56.196 người, chiếm 43% dân số toàn tỉnh [1]. Dưới bom đạn, công nhân cầu phà vẫn phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đảm bảo thông đường, thông phà trong thời gian ngắn nhất, kể cả những lúc cao điểm. Thời gian trực phà rút xuống từ 60 phút xuống 30 phút, qua phà từ 30 phút rút xuống 8 phút, mức vận chuyển trước đây là 20 xe nay tăng lên 64 xe trong ngày. Tính từ 29/11/1953 đến 7/5/1954 đã có 4.734 xe ô tô từ Thái Nguyên qua phà Bình Ca để lên chiến trường Tây Bắc[2]...

Bốn là, cung cấp nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi: Đảm bảo huy động cao độ nhân, vật, tài lực cho cuộc kháng chiến đang bước vào thời điểm quyết định, đầu năm 1953 Tỉnh uỷ Tuyên Quang ra chỉ thị về huy động lực lượng phục vụ các chiến dịch, nêu rõ 3 vấn đề lớn cần thực hiện là: Lãnh đạo quần chúng lên đường đấu tranh với quân thù. Phổ biến kế hoạch, nhiệm vụ, tầm quan trọng xuống chi bộ, để chi bộ thi hành nhiệm vụ. Các huyện uỷ phải lãnh đạo huy động số lương thực đã giao, cử cấp uỷ để hướng dẫn và phụ trách dân công. Đồng thời, Tỉnh uỷ cũng quyết định thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương của tỉnh do một đồng chí Thường vụ Tỉnh uỷ làm Chủ tịch. "Tất cả cho tiền tuyến chiến thắng", Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã dồn hết sức lực, tình cảm của mình cho mặt trận.

Dưới sự chỉ đạo của Ban dân công tỉnh, phong trào "đi dân công là yêu nước" diễn ra sôi động. Gối đất, nằm sương, trèo đèo, lội suối, các đoàn dân công được biên chế theo tổ chức quân sự nối nhau lên đường ra phía trước. Trong năm 1953 tỉnh đã huy động 3 đợt dân công với 9.762 người đi phục vụ Chiến dịch Tây Bắc, cả năm huy động 1.021.738 ngày công. Năm 1954 huy động 1.854.360 ngày công. Trong suốt cuộc kháng chiến, chỉ tính riêng việc phục vụ cho các chiến dịch và kiến thiết cầu, đường, phà, Tuyên Quang đã huy động tới 6.519.000 ngày công; với số dân 13 vạn người, năm 1954 tỉnh đã huy động tới 56.196 lượt người đi dân công (chiếm 43% dân số)[3].

Chắt chiu một lòng cho kháng chiến thắng lợi, Nhân dân các dân tộc đồng lòng, tự giác cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Ngoài việc hoàn thành nghĩa vụ thuế nông nghiệp, các loại công phiếu, công trái kháng chiến, chỉ riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Tuyên Quang đã cung cấp cho tiền phương 6.486.955 kg gạo, 52. 770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41. 657 kg lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh. Ngoài ra tỉnh còn cung cấp cho bộ đội hàng trăm tấn rau xanh, cung cấp 1.881.322 kg gạo cho các chiến dịch làm cầu đường[4]...

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đập tan hoàn toàn những cố gắng cao nhất, cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong việc tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Ngày 20/7/1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơlevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành thắng lợi huy hoàng. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tự hào đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang là An toàn khu vững chắc của trung ương trong suốt cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Nguyễn Văn Đức

[1], [2]: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), NXB Chính trị quốc gia, tr.181

[3], [4]: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), NXB Chính trị quốc gia, tr.182

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 115 | Trang: 1 trên tổng số 12 trang  
Xem tin theo ngày:   / /