Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ của dân

Thứ Ba, ngày 17 tháng 5 năm 2022 - 11:03 Đã xem: 1260

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa lớn. Sự vĩ đại và cao quý được thể hiện trong cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Tất cả là một chỉnh thể toàn diện, chân thực và cảm động trong lối sống thanh khiết, giản dị, khiêm nhường, luôn thương yêu và quý trọng Nhân dân, tất cả vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc tại căn cứ Việt Bắc. Ảnh: TL

Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, điều quan tâm lớn nhất của Người là độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân. Yêu nước, thương dân, đấu tranh không mệt mỏi vì hạnh phúc của Nhân dân là lẽ sống của Người. Với học thuyết giải phóng của mình, Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta trở thành Đảng cách mạng chân chính, sáng lập nền dân chủ cộng hòa, mở ra thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc: thời đại Hồ Chí Minh. Con đường mà Người dẫn dắt dân tộc Việt Nam là con đường giải phóng dân tộc thông qua cách mạng vô sản để giành độc lập và quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Chỉ có con đường ấy mới giúp dân thoát khỏi áp bức bóc lột, đói nghèo, lạc hậu, trở thành người chủ thực sự của đất nước. Người không chỉ vạch ra con đường mà đã đem cả cuộc đời mình xây đắp con đường ấy. Tư tưởng vì dân của Người luôn thể hiện sự thống nhất trong lời nói và việc làm. Mọi suy nghĩ và hành động của Người đều hướng về quần chúng, tất cả đều vì lợi ích của Nhân dân. Người từng dạy cán bộ, đảng viên: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh"(1); phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết; phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân...; phải làm kiểu mẫu: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Triết lý nhân sinh của Hồ Chí Minh quy tụ vào một chữ Dân, "vì dân", "thương dân", "dân là gốc"... Theo các nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh, trong ngôn ngữ của Người, chữ "dân"có tần suất lớn nhất. Đó cũng chính là bản chất nhân đạo thấm nhuần trong cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người. Vì lẽ đó mà Hồ Chí Minh là lãnh tụ của dân, được Nhân dân kính trọng, ngưỡng mộ, yêu quý và biết ơn vô hạn.

Người luôn tin và thương dân sâu sắc. Mỗi lời nói, hành động, cử chỉ của Người đều thể hiện tư tưởng ấy. Từ việc đánh đuổi đế quốc, thực dân để giành lại độc lập, tự do cho dân, đến đánh thắng bần cùng, lạc hậu để đưa dân thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, tiến tới văn minh, phú cường, "dân tộc thông thái". Là lãnh tụ của dân, Người là mẫu mực của lãnh tụ cách mạng, một nhà mácxít sáng tạo mang cốt cách hiền triết Á Đông. Người nói đến "ở đời" và "làm người" như một triết lý nhân sinh hành động: đã sống ở đời thì phải gần gũi dân chúng, tận tụy phục vụ dân chúng. Trong con người Hồ Chí Minh, từ suy nghĩ đến việc làm, tư tưởng đến hành động, bao giờ cũng hài hòa, triệt để, nhất quán, không thay đổi chân lý vì dân.

Thương dân, Người thấu hiểu nỗi khổ cực, nhọc nhằn của dân, Người luôn nhắc nhở cán bộ phải hết sức tiết kiệm để lo cho dân, vừa lo tiết kiệm sức dân để tập hợp dân chúng, làm cách mạng thành công, để dân mau chóng được ấm no, hạnh phúc. Chữ "dân" trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một khái niệm mang hàm ý sâu sắc, là chữ Người, mà theo Người, "chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng hơn nữa là cả loài người" (2). Với quan niệm ấy, "dân" trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân dân, quần chúng lao động, là đồng bào, là tất cả, "trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít, thực dân là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ"(3).

Tư tưởng thương dân, tất cả vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được minh chứng bởi những hành động, việc làm, lời dạy của Người. Mỗi lời nói, cử chỉ, hành động của Người đều có sức cảm hóa mãnh liệt, thức tỉnh lương tri mỗi con người, mỗi số phận. Lời Người dạy luôn tha thiết, ân cần, sâu xa và cảm động: "Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân". Học tập và làm theo Bác, gần dân, thương dân, vì dân là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta.

Nguyễn Nhung

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 2011, tập 4, tr 65

(2); (3) SĐD, tập 6, tr 130

Xem tin theo ngày:   / /