Ngày 18 tháng 5 năm 1963, dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội nghị phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng Đại hội, trong đó Người nhấn mạnh về mối quan hệ giữa khoa học và sản xuất (bài nói được đăng trên Báo Nhân dân, số 3339, ngày 19-5-1963).

Trong bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ: “Chúng ta biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng...”.

Người cho rằng khoa học phải gắn với nhiệm vụ, với đời sống xã hội; khoa học phải gắn với thực tiễn, phải từ thực tiến và quay lại phục vụ chính thực tiễn và phải đáp ứng nhu cầu của sản xuất, phục vụ sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động và nâng cao đời sống vật chất của nhân dân. Năng suất lao động cao thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo điều kiện xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Trong bối cảnh đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng dưới sự tác động của cuộc cách mạng 4.0, kinh tế tri thức từng bước giữ vai trò chủ đạo. Thấm nhuần tư tưởng của Người về vai trò của khoa học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã chủ động cụ thể hóa thành các nghị quyết, đề án, chương trình hành động cụ thể, trong đó, xác định cùng với giáo dục đào tạo, thì khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.
