Phòng chống thiên tai góp phần bảo vệ cuộc sống của Nhân dân và bảo vệ thành quả kinh tế - xã hội của đất nước

Thứ Bảy, ngày 21 tháng 5 năm 2022 - 20:56 Đã xem: 2228

Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70/SL, ngày 22/5/1946 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê. Đến nay, công tác phòng, chống thiên tai đã huy động được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đã đạt được những thành tựu to lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh Internet.

Trong những năm qua, chúng ta ngày càng thực hiện tốt việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, góp phần bảo vệ cuộc sống của Nhân dân và những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước [1].

Những năm gần đây, thiên tai trên thế giới cũng như trong nước diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường. Trong đó, bão mạnh, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn… xuất hiện với tần suất ngày càng cao. Đòi hỏi, lực lượng phòng chống thiên tai và toàn xã hội phải chuẩn bị chu đáo để chủ động phòng chống, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Để có được nền tảng vững chắc, đáng tự hào trong sự nghiệp phòng chống thiên tai như ngày nay, đã biết bao thế hệ cha anh, các lực lượng và người dân đã đổ mồ hôi và nước mắt, hy sinh tính mạng kiên cường với thiên tai.

Công tác phòng chống thiên tai đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các Cấp ủy Đảng, Chính quyền từ Trung ương tới cơ sở. Lần đầu tiên, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị riêng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020). Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật Đê điều. Tổ chức bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và tham mưu chỉ đạo phòng chống thiên tai từng bước hoàn thiện. Đặc biệt là ở Trung ương, thành lập Tổng cục phòng chống thiên tai kiêm Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo. Thành lập lực lượng xung kích  phòng chống thiên tai tại 95% số xã và xây dựng các mô hình đại diện các vùng, miền trên cả nước đã phát huy hết sức hiệu quả khi ứng phó với thiên tai. Nhất là trong đợt mưa lũ tháng 10/2020 tại miền Trung, lực lượng này đã triển khai cứu người, sơ tán tài sản đến nơi an toàn. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng được triển khai toàn diện với nhiều phương thức khác nhau, có nhiều cải tiến, kết hợp hiệu quả giữa phương tiện truyền thông hiện đại (phát thanh, truyền hình, Website, Facebook, tin nhắn Viber), bằng nhiều thứ tiếng dân tộc phù hợp với thực tế tại từng khu vực, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến lược phòng chống thiên tai hiện đã được điều chỉnh để phù hợp trong tình hình mới. Từ năm 2007, Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 23/11/2007. Việc thực hiện chiến lược này đã huy động được nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai. Để đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai trong tình hình mới, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung của Chiến lược là chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng. Một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược là đến năm 2030, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020, không vượt quá 1,2% GDP. Chiến lược đặt ra mục tiêu cao nhất là người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét [2].

Năm 2022 và dự báo thời gian tới, biến đổi khí hậu, thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phúc tạp, khó lường, nguy cơ lũ, ngập lụt trên các vùng miền cả nước; lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực phía bắc… Để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương và của tỉnh đã chỉ đạo xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến, Ban chỉ đạo Trung ương và của tỉnh về phòng chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương rà soát phương án ứng phó bảo đảm phù hợp trong điều kiện dịch bệnh, đặc biệt là phương án sơ tán, bảo đảm an toàn cho người dân.

Trong chặng đường 76 năm qua, mặc dù đầy khó khăn song, chúng ta đã kế thừa sự nghiệp phòng chống thiên tai của cả dân tộc, với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Trong thời gian tới, chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm nhiều hơn nữa, để bảo vệ thành quả và góp phần phát triển bền vững đất nước.

 

  1. Chủ tịch nước Nguyên Xuân Phúc gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước nhân 75 năm ngày truyền thống phòng chống thiên tai, Báo nhân dân, 22/05/2021.
  2. Sỹ Hào, Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống PCTT Việt nam: Bảo vệ thành quả, góp phần phát triển đất nước, Báo dân tộc và phát triển, 19/05/2021

Đỗ Hồng Thanh

 

Xem tin theo ngày:   / /