Những thức quà ngon của người Tày xứ Tuyên!

Thứ Bảy, ngày 28 tháng 5 năm 2022 - 08:58 Đã xem: 4927

Có dịp ghé qua Tuyên Quang, du khách nhất định phải thử một trong các thức quà sau của người Tày xứ Tuyên!

Xôi ngũ sắc - món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm ngày lễ, Tết

Xôi ngũ sắc hay còn được gọi theo tên dân dã là xôi màu. Người Tày từ xa xưa đã sáng tạo ra loại xôi này để cúng tế đất trời, cầu cho mùa màng bội thu. Xôi  thường được làm trong dịp lễ, Tết (Lễ cơm mới, Tiết Thanh minh, Tết Nguyên đán). Sau khi dâng lên thần linh, ông bà tổ tiên, xôi sẽ được hạ xuống đem mời khách quý hoặc để gia đình quây quần thưởng thức cùng nhau bên bếp lửa.

Xôi tím từ lá cẩm tím

Theo quan niệm của người Tày Tuyên Quang, ý nghĩa xôi ngũ sắc ngoài việc thể hiện “ngũ hành” còn thể hiện khát vọng yêu thương. Xôi có 5 màu sắc chính (trắng, đỏ, xanh, tím, vàng), tượng trưng cho ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Điểm đặc biệt của ẩm thực dân tộc Tày là không dùng bất cứ loại phẩm màu hay chất phụ gia nào. Để tạo màu, người Tày sẽ dùng các loại lá cây ngoài tự nhiên để nhuộm màu cho gạo nếp rồi mới đem đồ chín. Màu trắng là màu tự nhiên của gạo, màu tím từ cây cơm tím, màu đỏ từ cây cơm đỏ, màu vàng từ nghệ, màu xanh làm từ lá dứa hoặc lá gừng. Món xôi này thể hiện cho lòng yêu mẹ, kính cha; tình yêu son sắt, thủy chung của đôi lứa; ước vọng mùa màng bội thu và cũng là tượng trưng cho những điều may mắn, tốt lành.

Bánh coóc mò - món ngon đi sâu vào ký ức

Coóc mò” dịch sang tiếng Kinh là bánh sừng bò. Bánh có hình chóp hơi nhọn, vừa miệng ăn. Tuy bánh không có nhân nhưng lại làm từ loại nếp ngon nhất bà con trồng được trên bản. Gạo phải thật thơm, thật dẻo thì mới đem gói bánh và khi gói cần chọn đúng lá chuối hoặc lá dong.

Bánh coóc mò có chấm kèm muối lạc, vừng hoặc mật mía.

Có thể nói loại bánh này đã trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống cộng đồng người vùng cao. Bánh được làm trong các dịp trọng đại như tiệc đầy tháng, ăn mừng vụ mùa... Đôi khi bánh coóc mò còn được người dân gói bên người để ăn khi lên nương làm rẫy. Bánh được bày bán nhiều ở các chợ phiên vùng cao như: Yên Hoa, Đà Vị, Thượng Lâm…

Cơm lam - tinh hoa của núi rừng

Nếu có dịp lên vùng cao và khám phá ẩm thực dân tộc Tày, du khách không thể không ăn thử món cơm lam. Trước hết món cơm này không nấu từ gạo tẻ mà nấu bằng gạo nếp. Các hạt nếp cái hoa vàng thu hoạch từ chính những thửa ruộng bậc thang trên núi cao.

Nếp được người ta đem ngâm rồi cho vào ống tre hoặc ống cây giang. Tùy vào điều kiện từng vùng mà có nơi cho thêm lạc đã bóc vỏ, có nơi lại cho thịt lợn vào giữa cho thêm phần hương vị. Đến phần đổ nước, người Tày chuộng dùng nước lần trong mát chảy từ  núi cao để thổi cơm trên lửa thay vì dùng nước máy, nước giếng như bình thường.

Cơm nếp chín luôn có mùi hương đặc trưng của nếp mới, vị bùi của lạc chín hoặc thịt lợn. Món cơm lam chắc chắn sẽ níu chân mọi thực khách dù chúng ta mới chỉ thưởng thức món này một lần. Cơm lam có thể dùng ngay khi nóng hoặc mua về làm quà. Mỗi bó cơm lam nhỏ sẽ là phần quà miền núi đáng nhớ và ý nghĩa dành cho bạn bè và người thân.

Bánh trứng kiến - món ngon xứ Tuyên mang nhiều dư vị

Lên Tuyên Quang vào mùa xuân, du khách không thể nào không nếm thử bánh trứng kiến - món ăn vô cùng đặc sắc chỉ có ở các vùng đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Trong tiếng Tày, bánh trứng kiến gọi là “pẻng khày mật”. Bánh béo ngậy thơm mùi nếp nương, mùi lá vả và đặc biệt là phần nhân làm từ thịt lợn bản và trứng kiến non hòa quyện lại với nhau làm nên một món ăn độc đáo, hấp dẫn không chỉ về hình thức mà cả hương vị.

Trứng kiến thường nhỏ hơn hạt gạo, có màu trắng đục, thân mẩy và tròn. Trứng kiến là thực phẩm sạch, nhiều đạm, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo nghiên cứu, trứng kiến đen có từ 42-47% protein với hơn 31 vi chất cần thiết cho cơ thể như vitamin A, vitamin E, vitamin B1. …

 Du khách đến với Tuyên Quang sẽ có cơ hội thưởng thức món bánh trứng kiến với bột bánh mềm dẻo, hương vị béo ngậy của trứng kiến, vị thơm của hẹ, bùi của lá vả… Tất cả tạo nên hương vị tuyệt vời khiến người thưởng thức không bao giờ quên.

Bánh Gio - món ngon thanh mát

Bánh gio là món ăn không thể thiếu trong bộ sưu tập ẩm thực dân tộc Tày. Người Tày chế biến loại bánh này bằng cách đốt một số loại thân cây như: Cây sấu, cây tầm gửi… rồi lấy gio để chắt lấy nước gio. Sau đó họ dùng nếp cái hoa vàng tròn mẩy ngâm một đêm trong nước gio, sáng hôm sau đổ ra hong cho ráo nước rồi gói bằng lá dong (có nhiều nơi gói bằng lá chuối).

Bánh được đun lên xong phơi khô cho ráo nước thì có thể sử dụng ngay. Bánh gio chấm với mật mía tạo thành món ăn tuyệt hảo. Bánh gio có màu vàng nhạt trong, vị thanh mát, ngọt ngào của mật mía, dịu ngọt của gạo nếp hòa quyện với hương lá dong. Đây là món ăn mà từ người già đến trẻ nhỏ đều khó lòng mà cưỡng nổi.

Bánh chuối – món ngon độc đáo ngày Rằm tháng Bảy

Mặc dù bánh chuối là món ăn phổ biến mà chúng ta có thể bắt gặp ở nhiều nơi. Tuy nhiên, bánh chuối của người Tày ở Tuyên Quang lại có một hương vị rất đặc biệt, xứng đáng trở thành món ăn đặc sản trong danh sách ẩm thực dân tộc Tày Tuyên Quang.

Thành phần quan trọng nhất để làm được món bánh này là phải có chuối. Chuối được phơi khô bằng nắng, hoặc gác trên gác bếp trước đó độ tháng. Khi nào chuối khô nhưng vẫn đảm bảo được độ mềm dẻo, thơm ngon là được.

Nhân bánh chuối có thể được làm bằng đỗ hoặc lạc. Bột gạo nếp được xay mịn, trộn cùng với chuối đã được rửa sạch. Người làm bánh nhào bột thật đều, trộn thêm mật mía cho bánh thêm đậm đà, dùng lá chuối được phơi khô trước đấy gói thành từng cặp bánh một.

Đây là món ăn có vị chua chua lại ngọt ngọt, phù hợp với khẩu vị của mọi lứa tuổi. Bánh chuối là món ăn được ưa chuộng trong các dịp rằm hay Tết, nhất là rằm tháng Giêng và rằm tháng 7.

Bánh chưng “gù” - món ngon không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới

Dịp Tết Nguyên đán, các bà, các mẹ sẽ gói bánh chưng “gù” - một loại bánh đặc trưng ngày tết của người Tày. Phần lưng bánh hơi gù lên như chiếc lưng đeo gùi của những người phụ nữ vùng cao.

 Bánh có hai loại: Bánh trắng và bánh đen. Bánh trắng được gói từ gạo nếp nguyên bản. Bánh có màu đen nhánh, thơm, hạt nếp rất dền, không bị nhớt, không bị chảy nước. Màu đen của bánh chưng gù người Tày được tạo ra từ cây xoan muối, cây rơm nếp, cây núc nác, cây vừng đốt ra than rồi nghiền thành bột. Nhưng chỉ có loại củi xoan muối mới cho ra màu đen đậm. Khi ăn, bánh được cắt dọc theo thân bánh hoặc cắt từng khoanh tròn.

Khẩu sli - món ngon kỳ công, chứa đựng nhiều vất vả của người làm

Để làm được Khẩu sli thơm ngon thì từ khâu chọn nguyên liệu đã phải rất kỹ càng. Gạo nếp phải là giống nếp Vải hoặc nếp Cái hoa vàng. Chọn lấy những hạt gạo còn nguyên không gãy nát. Sau đó mang gạo đi ngâm khoảng 2 tiếng rồi vớt ra. Lúc này người làm Khẩu sli sẽ lấy bột ngô tẻ hoặc gạo tẻ trộn vào gạo đã ráo nước trước khi cho vào chõ để đồ xôi. Việc này sẽ giúp các hạt xôi không bị bết dính vào nhau.

Trong lúc đồ xôi phải canh để hạt gạo vừa chín tới thì bỏ ra, quá lửa xôi sẽ ướt không làm được bánh. Xôi đồ xong được cho ra cán tơi từng hạt. Khoảng 8 -10 tiếng sau, bỏ xôi vào cối giã để hạt cơm dẹt lại, khi đó mang đi rang hạt xôi mới phồng đẹp. Khi rang bỏng, mỗi mẻ chỉ rang một lượng bằng khoảng lưng bát ăn, như thế hạt bỏng mới giòn đều. Bỏng rang xong sẽ được trộn với mật mía hoặc đèn phèn đã nấu dẻo ở độ như người ta làm kẹo kéo (ngon nhất vẫn là nấu với mật mía).

Cốm - thức quà không thể thiếu vào mùa thu

Vào tháng 10, tháng 11 hằng năm, khi tiết thu se lạnh,  gà cất tiếng gáy trên những chỏm đồi xa, báo hiệu một ngày mới bắt đầu, cũng là lúc tiếng chày giã cốm vang khắp bản làng… Tuỳ theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng thời gian và trung bình thì khoảng vài lần giã là hoàn tất. Cốm được làm thủ công, nướng và giã bằng tay luôn giữ được hương vị, màu sắc thơm ngon nhất.

Một mẻ cốm làm ra có hạt dẹt, thường có màu xanh và có mùi thơm, béo ngậy của lúa non. Lúc này, các bà, các chị sẽ rải một lớp lá chuối vào thúng, cho cốm vào buộc thành những gói nhỏ để giữ mùi thơm.

Thức quà dân dã mà đầy thanh tao góp phần làm nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất này. 

Chè lam - món ngon dẻo thơm

Bánh chè lam được làm từ bột gạo nếp rang, lạc rang, gừng và đường phên (hay đường đỏ). Đặc biệt, để bánh chè lam có độ dẻo, dai thì khâu rang gạo cho vàng đều là quan trọng nhất.  

Bánh chè lam trước kia thường chỉ được làm vào dịp Tết Nguyên đán cùng với bánh khảo và bánh chưng. Bánh chè lam là sự kết hợp hài hòa giữa độ ngọt của mật, độ mịn, dẻo của bột nếp, thêm chút cay của gừng, bùi bùi của lạc. Khi ăn người ta sẽ dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ. Bánh dẻo nhưng không dính, lại có mùi thơm nồng quyến rũ khiến bất cứ ai đã từng thưởng thức đều không thể quên được hương vị của bánh.

Bánh dày nhân vừng đen - món ngon không thể thiếu trong các dịp quan trọng của người Tày xứ Tuyên!

Bánh dày trong tiếng Tày gọi là “pẻng đéc” - chỉ cách thức làm nên loại bánh này là dùng tay giã bánh bằng chày làm từ cây tre. Cối để giã là loại cối làm bằng đá xanh. Để làm nên loại bánh dày thơm ngon này, người Tày sử dụng gạo nếp nương, một loại gạo có một mùi thơm rất đặc trưng, hạt to đều. Gạo được ngâm từ tối hôm trước đến sáng hôm sau vo lại rồi đồ cách thủy đến khi nếp chín chị đổ xôi ra giã nhuyễn. Xôi nếp sau khi giã nhuyễn, nặn ra từng vắt bột dẻo dai, mềm mịn. Dàn đều nắm bột, rồi cho thêm nhân vừng đen vào vê tròn lại.

Công đoạn nặn bánh phải thật nhanh để vỏ bánh không bị cứng, nhân bánh cũng không bị khô. Điều đặc biệt trong khâu nặn bánh là người Tày sử dụng sáp ong (tiếng Tày gọi là “lạp”) bôi vào tay để chống bị dính và tạo mùi thơm, bóng cho bánh. Sau khi hoàn thiện, từng chiếc bánh thành phẩm được người làm gói cẩn thận vào lá chuối rừng tươi sau khi đã rửa sạch, hơ lửa để giúp bánh được mềm lâu, mặt bánh không bị se.

Trong những món ăn truyền thống, bánh dày nhân vừng đen là món bánh không thể thiếu của người Tày trong ngày Tết Đắp nọi, lễ cúng mát nhà, cúng giỗ gia tiên, lễ hội, đám cưới... ./.

Mộc Miên

Xem tin theo ngày:   / /