Ý nghĩa của cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946)

Thứ Hai, ngày 28 tháng 12 năm 2020 - 16:49 Đã xem: 10207

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, xác định rõ sự cần thiết phải triệu tập được Quốc hội để cử ra một chính phủ cộng hòa chính thức, trên cương vị Chủ tịch lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 14-SL về việc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội để lựa chọn những người xứng đáng nhất đại diện cho nhân dân.

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 06/01/1946. Ảnh tư liệu 

Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Hưởng ứng Lời kêu gọi, với ý chí sắt đá, quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, ngày 06/1/1946, toàn thể dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc đã tham gia bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng cuộc Tổng tuyển cử vẫn được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín và đã hoàn toàn thắng lợi. Đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên có một ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng, chứng tỏ một bước trưởng thành của cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc ta. Từ đây, đất nước ta có một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa pháp lý, đại diện cho nhân dân Việt Nam thực hiện công việc đối nội và đối ngoại của đất nước; Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là hợp pháp, dân chủ, nhà nước của dân, do dân, vì dân, được Quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng tuyển cử thành công là một quyết định sáng suốt, kịp thời, nhạy bén và khoa học của Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, thể hiện khát vọng của nhân dân Việt Nam, khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta, biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong bối cảnh “thù trong, giặc ngoài”, khó khăn chồng chất, Tổng tuyển cử thành công đã mang lại ý nghĩa hết sức lớn lao. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Cuộc Tổng tuyển cử là kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn bé gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sự nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc.”

75 năm đã qua, Quốc hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Trong giai đoạn mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

                                                                      Nguyễn Nhung (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 1247 | Trang: 1 trên tổng số 125 trang  
Xem tin theo ngày:   / /