Tuyên Quang - Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.

Thứ Ba, ngày 14 tháng 6 năm 2022 - 16:25 Đã xem: 1414

Xác định công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong thời gian qua tỉnh Tuyên Quang đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới và đã đạt được những kết quả nhất định.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách pháp luật về công tác trẻ em được tăng cường, đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực; qua đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác trẻ em từng bước được nâng lên. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tăng cường; bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác trẻ em được thành lập, củng cố từ tỉnh đến cơ sở; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức được thực hiện thường xuyên; bước đầu xây dựng được các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại các xã điểm. Trên địa bàn tỉnh không có các vụ việc nổi cộm liên quan đến trẻ em; không có tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm. Việc thực hiện các chính sách và đầu tư nguồn lực cho công tác trẻ em được quan tâm thực hiện. Số trường đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013 và duy trì ở những năm tiếp theo (hoàn thành trước 02 năm so với chỉ đạo của Trung ương), đang tiếp tục triển khai thực hiện việc huy động trẻ từ 3 đến dưới 36 tháng đi nhà trẻ (hiện toàn tỉnh huy động được 650 nhóm trẻ với 13.618/33.550 trẻ đi nhà trẻ, đạt 40,6%); chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non đạt 99,9%. Tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi ở cấp Tiểu học duy trì từ 99% trở lên, không có học sinh bỏ học cấp tiểu học. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở cấp Trung học cơ sở từ năm 2012 đến nay đều đạt từ 95% trở lên, tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp Trung học cơ sở đạt 99,3% năm 2021. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 (hiện có 5/7 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, 2/7 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 7/7 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2). Quan tâm bố trí kinh phí, tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, trang cấp thiết bị cho các nhà trường; nhất là các trường trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia, trường Phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và trường Phổ thông có học sinh bán trú. Mạng lưới trường học ngày càng được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em. Khuyến khích mở trường, nhóm lớp mầm non tư thục, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của Nhân dân; quan tâm tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được tham gia, tiếp cận với các hoạt động chăm sóc, giáo dục và hoà nhập tại trường học (toàn tỉnh có 48 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có 04 trường mầm non và 44 nhóm trẻ độc lập tư thục; có 01 lớp với 07 trẻ khuyết tật được học chuyên biệt, 1.173 trẻ khuyết tật được học hoà nhập; tỷ lệ trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hoà nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng đạt 93,5%). 

Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo theo quy định, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho trẻ em. Đến nay, 100% bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện có khoa nhi, 100% trạm y tế các xã, phường thị trấn có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 100% thôn, bản, tổ dân phố có cộng tác viên y tế được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Ngoài ra, tỉnh có Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, là Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh với 100 giường bệnh điều trị nội trú, thực hiện nhiệm vụ khám, tư vấn, điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Bệnh viện đã thực hiện khám, điều trị và phục hồi chức năng cho nhiều trẻ em khuyết tật, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng. 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế và được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế. Tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi cân nặng hằng quý đạt: 99,7%; 100% số trẻ 06 - 36 tháng tuổi được uống Vitamin A vòng 1; 99,3% trẻ từ 6-36 tháng tuổi được uống Vitamin A vòng 2 và tẩy giun. Tỷ lệ trẻ em <1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin hàng năm luôn đạt từ 95,8 - 98,8%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 96,7% (tăng 5,6% so với năm 2012). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở giảm xuống còn 13,1% (giảm 6,1% so với năm 2012). Tỷ lệ mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em có vắc xin phòng bệnh giảm rõ rệt, giữ vững thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh.

Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh được chú trọng; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm. Các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn và hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng sâu, vùng xa được quan tâm thực hiện. Hằng năm, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi, vui chơi giải trí... tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho thiếu nhi, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; 100% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng kí khai sinh, đảm bảo theo quy định. Các cấp, các ngành chức năng thường xuyên rà soát, nắm và trợ giúp đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo hành, trẻ em bị tai nạn thương tích, gặp thiên tai. 

Hằng năm, nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em, tỉnh tổ chức Lễ phát động kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các tập thể, cá nhân dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu, năm học mới... quan tâm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em người dân tộc thiểu số. Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn: từ năm 2012 đến nay đã phối hợp tổ chức chương trình phẫu thuật tim cho 219 ca, tổng số tiền 15,579 tỷ đồng; chương trình phẫu thuật mắt cho 354 ca, tổng số tiền 909,9 triệu đồng; chương trình phẫu thuật nụ cười cho 194 ca, tổng số tiền 1,307 tỷ đồng; chương trình phẫu thuật vận động 422 ca, tổng số tiền 3,031 tỷ đồng; trao 889 suất học bổng cho trẻ em với tổng trị giá 1,308 tỷ đồng; trao 8.488 suất quà với tổng trị giá 2,289 tỷ đồng; trao 222 suất trợ cấp đột xuất với tổng trị giá 466 triệu đồng; trao 823 xe đạp với tổng trị giá 1,441 tỷ đồng; trao 38 điểm vui chơi ngoài trời và đồ dùng và thiết bị cho các trường mầm non vùng sâu vùng xa vùng khó khăn nhằm phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và sinh hoạt cho trẻ em, tổng trị giá 1.718 tỷ đồng; trao 195 xuất hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tổng trị giá 205 triệu đồng… 

                   Lãnh đạo UBND huyện Na Hang và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đối thoại trực tiếp với trẻ em                                     nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, như sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về trẻ em; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ đảng, chính quyền; sự phối hợp và tham gia thực hiện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. 

Hai là, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; từ đó có ý thức và trách nhiệm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác trẻ em.

Ba là, tăng cường thực hiện quản lý nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đảm bảo các quyền của trẻ em. Từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em thuộc cấp xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp nhằm đáp ứng được yêu cầu thực thi nhiệm vụ. 

Bốn là, tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, bố trí quỹ đất để xây dựng các điểm, khu vui chơi, học tập cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. 

Năm là, làm tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực phục vụ cho công tác trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tiếp tục hỗ trợ khuyến khích động viên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó trong học tập và cuộc sống. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. 

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai; đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội; qua đó góp phần từng bước giảm khoảng cách chệnh lệch về điều kiện sống giữa trẻ em giữa các khu vực trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mầm non tương lai của đất nước.

Phương Linh

Xem tin theo ngày:   / /