Những dấu ấn phục hồi kinh tế

Thứ Tư, ngày 15 tháng 6 năm 2022 - 08:43 Đã xem: 479

Nửa đầu năm 2022, quá trình hồi phục nền kinh tế đã có những tín hiệu hết sức tích cực, vượt qua những “cú sốc” về dịch bệnh, giá cả leo thang...

Những tín hiệu vui

Những tháng đầu tiên của năm 2022, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và lan rộng. Hầu hết các địa phương, số ca mắc liên tục tăng nhanh. Tuy nhiên, chỉ sau quý I, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Các ngành kinh tế, sau một thời gian chật vật với dịch, đã tìm được cơ hội bứt phá.

Một trong những ngành kinh tế có đà phục hồi và tăng trưởng ấn tượng nhất nửa đầu năm 2022 là du lịch. Ngay sau khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, Tuyên Quang trở thành cái tên hấp dẫn đối với khách du lịch nội địa khi Lễ hội khinh khí cầu quốc tế năm 2022 được tổ chức và được xác nhận kỷ lục Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lớn nhất Việt Nam. Sự kiện này, ngay sau đó cũng được trang Buzzmetrics.com - đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực phân tích người dùng mạng xã hội cũng như các chỉ số truyền thông - công bố top 10 sự kiện nổi bật nhất trên Social Media tháng 3-2022.

Trình diễn khinh khí cầu tại Lâm Bình thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh: Quang Hòa

Từ đà lan tỏa này, Tuyên Quang tổ chức Năm du lịch Tuyên Quang, các địa phương cũng đồng loạt triển khai các sự kiện tuần văn hóa du lịch. Tháng 3, tháng 4, tháng 5, khắp các địa phương Na Hang, Lâm Bình, Sơn Dương, Chiêm Hóa... các sự kiện thu hút khách du lịch đồng loạt được tổ chức và trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch. Chị Lê Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh cho biết, mỗi địa phương đều tận dụng thế mạnh của mình, đồng thời khai thác các trải nghiệm mới để thu hút khách du lịch. Như các sự kiện thi người đẹp, trải nghiệm văn hóa ẩm thực độc đáo ở Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa; trải nghiệm ngâm chân lá thuốc của đồng bào dân tộc, bơi mảng và nghe hát then đàn tính trên hồ Nà Nưa... tại xã Tân Trào (Sơn Dương). Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong nửa đầu năm 2022, Tuyên Quang thu hút được 1,265 triệu lượt khách du lịch, đạt 55% kế hoạch năm và tăng 17,6% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng ước đạt 1.238 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp cũng có bước phát triển tăng so với cùng kỳ năm trước. Dịch bệnh xuất hiện tại nhiều doanh nghiệp, với số ca mắc lớn và tập trung, nhưng với sự điều hành thích ứng, linh hoạt, các đơn vị, doanh nghiệp đều chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh phù hợp với tình hình của doanh nghiệp mình, vừa đảm bảo sản xuất an toàn, vừa phòng chống dịch hiệu quả. Theo lãnh đạo Sở Công thương,  Sở Công Thương đã đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tham gia đoàn công tác của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh, công tác phòng chống dịch covid - 19 tại các doanh nghiệp, các dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời nắm bắt tình hình, tham mưu cho tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp... Nhờ thế, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 8.274,3 tỷ đồng, bằng 47,2% kế hoạch năm và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 80,9 triệu USD, bằng 57,8% kế hoạch năm và tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và doanh thu bán buôn 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 13.784,8 tỷ đồng, bằng 48,4% kế hoạch năm và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Sản xuất giấy tráng phấn cao cấp tại Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa.

Sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản cũng vượt kế hoạch, mặc dù thời tiết cực đoan diễn biến bất thường. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo cấy 18.785 ha, đạt 101,6% kế hoạch, trong đó lúa lai 8.716 ha, đạt 101,7% kế hoạch. Năng suất ước đạt 59,4 tạ/ha, sản lượng ước đạt 111.588 tấn. Các loại cây trồng khác như ngô gieo trồng 8.026 ha; lạc 3.330 ha... đều cơ bản đạt kế hoạch đã đề ra.

Dấu ấn trong cải thiện vị thế

6 tháng đầu năm, nhiều chỉ số được công bố và Tuyên Quang đều có sự thăng hạng so với năm trước. Như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Tuyên Quang tăng 2 bậc và xếp thứ 29; Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính đạt 86,27%; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố...

Không chỉ cải thiện thứ hạng, Tuyên Quang đang quyết liệt gỡ khó cho các mục tiêu lớn. Liên tục các cuộc kiểm tra tiến độ xây dựng các công trọng điểm, như Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các công trình trọng điểm tại các địa phương ngay từ đầu năm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Qua kiểm tra trực tiếp, một số nguyên nhân giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm được chỉ rõ, liên quan đến vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án còn hạn chế ở cả chủ đầu tư và nhà thầu thi công, cùng với đó là nguyên nhân khách quan do giá vật liệu xây dựng, nguyên liệu đầu vào tăng và thời tiết cực đoan đã làm chậm tiến độ thi công, giải ngân… Từ xác định nguyên nhân, lãnh đạo UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo đối với từng huyện, thành phố, từng công trình để tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công vào 31-12-2022. Tính đến trung tuần tháng 5-2022, toàn tỉnh giải ngân đạt 22%, công tác giải ngân có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ 2021.

Công nhân làm việc tại Nhà may của Công ty TNHH MTV Seshin VN2 ở khu công nghiệp Long bình An. Ảnh: Huy Hoàng

Để hỗ trợ vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi sản xuất kinh doanh, cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã triển khi Nghị định 31, hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây được xem là điểm tựa để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện các mục tiêu lớn của mình khi các khó khăn về dịch, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao như hiện nay.

Đà tăng trưởng và những dấu ấn phục hồi kinh tế 6 tháng đầu năm sẽ tạo tiền đề vững chắc để kinh tế 6 tháng cuối năm của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức là không nhỏ, khi giá nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, giá các loại vật liệu xây dựng... tăng cao. Điều này đòi hỏi chính quyền có sự vào cuộc quyết liệt hơn, doanh nghiệp, đơn vị chủ động, sẵn sàng các phương án, nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng tỉnh hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm đã đề ra.

Theo Trần Liên/baotuyenquang.com.vn

Xem tin theo ngày:   / /