Quê hương - tờ báo mạng điện tử đầu tiên ở Việt Nam
Tên gọi và những vấn đề đặt ra
Mạng Internet ra đời đã mang lại rất nhiều tiện ích cho con người, từ sử dụng gửi thư điện tử (e-mail) đến chuyện trò gián tiếp (message), chuyện trò trực tuyến (chat)… và một công cụ hữu dụng nhất thay cho khả năng chứa đựng, sắp xếp thông tin và huy động trí nhớ của bộ não con người đó là công cụ tìm kiếm (hàng ngày, trên thế giới có hàng triệu người cùng lúc ứng dụng công cụ tìm kiếm). Công nghệ thông tin phát triển, các phương thức cung cấp thông tin khác dần lỗi thời, cũng từ đó báo mạng điện tử được hình thành.
Hiện nay, đang tồn tại nhiều cách gọi khác nhau về báo mạng điện tử: báo điện tử (electronic journal), báo trực tuyến (online newspaper), báo online (ví dụ Tuyên Quang online)… Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì loại hình báo chí này phù hợp với tên gọi "Báo mạng điện tử" bởi nhiều lý do:
Thứ nhất, tên “Báo mạng điện tử” khẳng định loại hình báo chí này là mới nhất, là kết quả của sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, hoạt động được nhờ các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, số hoá, các máy tính nối mạng và các server, các phần mềm ứng dụng.
Thứ hai, tên gọi “Báo mạng điện tử” cho phép hiểu một cách chính xác về bản chất, đặc trưng của loại hình báo chí này: tính đa phương tiện, tính tương tác cao, tính tức thời, phi định kỳ, khả năng truyền tải thông tin không hạn chế, với cách lưu trữ thông tin dưới dạng dữ liệu siêu văn bản, khả năng siêu liên kết - các trang báo được tổ chức thành từng lớp, có cơ chế "nở" ra với số trang không hạn chế…
Thứ ba, tên gọi này chỉ rõ người làm báo và người đọc báo đều phải có trình độ kỹ thuật nhất định.
Thứ tư, đây là sự kết hợp các tên gọi có nội dung riêng biệt, tên gọi này thoả mãn được yếu tố Việt hóa, đặc trưng khu biệt của loại hình báo chí mới, khắc phục được sự "thiếu" về nghĩa, sự máy móc của từ ngoại lai.
Và cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang khái niệm "báo mạng điện tử" được hiểu như sau: Báo mạng điện tử là một loại hình báo chí được xây dựng dưới hình thức của một trang web và phát hành trên mạng Internet.
Khái niệm này được tất cả các học viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Cơ sở đào tạo báo chí lớn nhất cả nước sử dụng trong các công trình nghiên cứu khoa học có đề tài liên quan đến thể loại báo chí mới nhất này.
Những đặc trưng cơ bản của báo mạng điện tử
Khả năng đa phương tiện (Multimedia), báo mạng điện tử có khả năng tích hợp nhiều trong số các phương tiện truyền tải thông tin gồm: văn bản chữ viết (text), hình ảnh tĩnh (still image), hình ảnh động (animation), đồ hoạ (graphic), âm thanh (audio), video và các chương trình tương tác.
Tính tức thời và phi định kỳ, rất nhiều sự kiện diễn ra cần được đưa tin liên tục để công chúng nắm tình hình và điều ấy chỉ có thể thực hiện được nhanh nhất ở báo mạng điện tử. Báo mạng điện tử vượt qua được các rào cản mà các loại hình báo chí khác gặp phải, nội dung thông tin không bị giới hạn bởi khuôn khổ của trang báo, thời lượng phát sóng hay thời gian tuyến tính, quy trình sản xuất thông tin lại đơn giản, dễ dàng vì thế đây cũng là nét đặc trưng nổi bật của báo mạng điện tử.
Tính tương tác, báo mạng điện tử có khả năng tác động qua lại giữa người sản xuất thông tin và đối tượng tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện. Đặc trưng này cho phép cơ quan báo chí tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thêm thông tin để hiểu rõ hơn sự việc của công chúng, đồng thời báo chí có thể "giữ chân" những công chúng trung thành với tờ báo một cách lâu dài.
Khả năng lưu trữ và tìm kiếm thông tin, báo mạng điện tử có thể lưu giữ được dung lượng lớn thông tin để phục vụ công tác tìm kiếm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của báo mạng điện tử giúp cho công chúng tìm kiếm rất nhanh bằng cách gõ các từ khóa cho thông tin cần tìm và nhấn nút "tìm kiếm". Có thể tìm kiếm theo chủ đề, ngày tháng hoặc theo từ khoá.
Xu hướng phát triển của báo mạng điện tử ở Việt Nam
Đa phương tiện là lợi thế của báo mạng điện tử nên thu hút được công chúng hơn hẳn so với các loại hình báo chí khác. Các cơ quan báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay cũng chú ý đến khả năng đa phương tiện vì vậy xu hướng chung là báo mạng điện tử lấn át dần báo chí truyền thống. Các cơ quan báo chí truyền thống ở Việt Nam hầu hết thành lập bộ phận hoặc phòng, ban chuyên môn về báo mạng điện tử và được quan tâm đầu tư nâng cấp.
Tại Tuyên Quang, thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, báo Tuyên Quang đã trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện trong đó có ấn phẩm Báo Tuyên Quang điện tử. Từ khi hình thành đến nay, Báo Tuyên Quang điện tử thường xuyên đổi mới gắn với ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát huy tối đa lợi thế của báo mạng điện tử. Các chuyên trang, chuyên mục với các tác phẩm báo chí tích hợp đa phương tiện, có khả năng tương tác với công chúng đã đáp ứng được yêu cầu trong công tác tuyên truyền, đồng thời phát huy vai trò nêu cao trách nhiệm của báo chí trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Bên cạnh việc thông tin bằng tiếng Việt, một số tác phẩm báo chí của Báo Tuyên Quang điện tử được biên dịch sang tiếng Anh; sử dụng đồ thị hoá để truyền tải thông tin nhằm giúp công chúng tiếp nhận một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, để báo mạng điện tử ở Việt Nam nói chung và Báo Tuyên Quang điện tử nói riêng có thể vươn tới tầm cao mới, cơ quan báo chí cần có sự thay đổi quyết liệt trong cách thức hoạt động để hướng tới mô hình toà soạn hội tụ. Trong đó, người quản lý phải thay đổi cách thức quản lý theo phương thức mới, đa năng hơn; phóng viên phải tự mình luôn luôn nâng cấp để có thể thông tin toàn cảnh, chuyên sâu về một vấn đề, chủ đề, đề tài trên nền tảng đa phương tiện.
Thuật ngữ "Thông tin nhiều cửa" xuất hiện và trở thành xu hướng tất yếu của báo mạng điện tử. Hiện nay, do tin tức trên mạng xã hội lan truyền rất nhanh, để giữ được lượng công chúng “có chất lượng” một số báo điện tử đã có sự đầu tư cho tác phẩm báo chí cả về nội dung lẫn kỹ thuật để trở thành nổi bật, thu hút công chúng dưới thể loại báo chí mới: megastory (long-form), e-magazine (ví dụ như báo VietnamPlus, Nhân dân điện tử). Những tác phẩm báo chí thể hiện dưới dạng này có thể truyền tải dung lượng lớn, có thể xâu chuỗi sự kiện, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ đa phương tiện, trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin trên mạng Internet.
Báo mạng điện tử đang trở thành kênh truyền thông có nhiều ưu điểm vượt trội, đặt các phương tiện truyền thông đại chúng khác vào một cuộc đua tranh quyết liệt, cũng từ đó đặt ra vấn đề quản lý báo mạng điện tử trở thành nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ để tránh tình trạng thiếu cân nhắc khi đưa tin, thiếu chọn lọc khi khai thác tư liệu, chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân, câu khách... Đối với những báo điện tử vi phạm quy định về lĩnh vực thông tin điện tử cần xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm báo mạng điện tử ở nước ta phát triển nhanh, vững chắc, có hiệu quả; bảo đảm tính tư tưởng, tính định hướng chính trị, tính chiến đấu, tính khoa học và tính chuyên nghiệp trong mỗi tờ báo mạng điện tử.
Nguyễn Thị Mai Lan