Báo chí cách mạng là vũ khí đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, tác động sâu sắc đến lĩnh vực tư tưởng chính trị. Vì vậy, báo chí cách mạng luôn giữ vị trí tiên phong, mở đường, truyền bá tư tưởng và tri thức tiến bộ đến quần chúng, bảo vệ, củng cố, phát triển phong trào, đưa phong trào cách mạng đến thắng lợi.

Minh họa: Tất Thắng
Báo chí cách mạng Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, tổ chức phong trào và truyền bá tư tưởng cách mạng. Báo “Thanh niên” ra đời năm 1925 là dòng tư tưởng cách mạng và thời sự đầu nguồn góp phần đưa phong trào cách mạng sang giai đoạn mới. Tờ báo là tập hợp tinh hoa của thanh niên yêu nước đến với cách mạng trước những trào lưu cải cách, cải lương nửa đầu thế kỷ XX. Báo “Thanh niên” không chỉ là mở đầu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là sản phẩm báo chí đầu tiên truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Sự xuất hiện của tờ báo đã tác động lớn đến người Việt Nam yêu nước thời kỳ đó. Chánh mật thám Pháp Louis Marty nhận xét: "Cần phải nói ngay rằng tờ báo của Nguyễn Ái Quốc được tất cả đảng viên ở nước ngoài, ở trong nước và đông đảo người cảm tình đọc, những người đọc này chẳng những tự mình đọc báo Thanh niên mà còn chép đi chép lại nhiều lần để cho người khác đọc"(2). Tính tiên phong, vai trò định hướng của Báo Thanh niên được thể hiện rõ nét trong thu hút, tập hợp đông đảo những người yêu nước, giác ngộ họ theo đường lối mà Nguyễn Ái Quốc vạch ra, chuẩn bị tổ chức, lực lượng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1941, Báo “Việt Nam độc lập” ra đời đã hướng dẫn phong trào cách mạng trong thời kỳ bí mật chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tờ báo đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn, tội ác của phát xít Nhật, thực dân Pháp và bọn tay sai, kêu gọi Nhân dân đoàn kết đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; phân tích tình hình cụ thể để Nhân dân hiểu đúng và ủng hộ cách mạng.
Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, báo chí cách mạng đã nỗ lực vươn lên vị trí xung kích. Hàng trăm tờ báo có mặt ở tiền tuyến, đến với chiến trường Tây Bắc, Điện Biên Phủ… trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, báo chí cách mạng luôn ở vị trí tiên phong, góp phần định hướng cho phong trào cách mạng. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, báo chí đã góp phần quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dẫn: "Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung”(3) “Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp, nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng xuất công tác của chúng ta"(4) báo chí cách mạng Việt Nam luôn phát huy vai trò tiên phong của mình, góp phần vào sự thắng lợi của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong giai đoạn mới, trước những tác động to lớn của công nghệ 4.0, báo chí cách mạng Việt Nam phải không ngừng đổi mới để hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt, định hướng tư tưởng cho quần chúng, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.
Kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, nghĩ về vai trò tiên phong, định hướng và những kết quả mà báo chí cách mạng đã đạt được trong gần một thế kỷ qua để thấy rõ hơn trách nhiệm của những nhà báo, người hoạt động chính trị, những người góp phần quan trọng làm cho báo Đảng giữ vững, phát huy vai trò tiên phong của mình và mãi mãi đồng hành cùng dân tộc.
Nguyễn Nhung
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội 2011, tập 1, tr 496
- Báo Nhân dân, ngày 20/6/1995
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội 2011, tập 6, tr 102
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội 2011,tập 8, tr 514