Xây dựng gia đình bình an, hạnh phúc

Thứ Ba, ngày 28 tháng 6 năm 2022 - 08:39 Đã xem: 734

“Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc” là chủ đề kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm nay, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững... Gia đình là bến đỗ bình an nhất trong cuộc đời mỗi người, để mỗi khi mệt mỏi, khó khăn, chúng ta đều mong muốn được trở về nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, được yêu thương, an ủi, vỗ về.

Và cũng chỉ có tình cảm gia đình mới là thứ tình cảm trong sáng, vô điều kiện hơn cả, nơi sẵn sàng cưu mang, bao bọc, chở che ta trước những lối rẽ, những bước ngoặt bất ngờ của cuộc sống. Hạnh phúc gia đình sẽ nâng bước cho mỗi người vượt qua khó khăn, vươn tới những điều lớn lao hơn.

Ở xã Đức Ninh (Hàm Yên) rất nhiều người biết đến gia đình chị Đỗ Thị Hồng Mơ, thôn Bình Minh. Vợ chồng chị đã nghỉ hưu, con cái trưởng thành, hiện đều là cán bộ ở tỉnh Hà Giang. Hai vợ chồng chị hiện giờ dành tất cả thời gian chăm sóc mẹ già gần 90 tuổi bị tai biến suốt bao năm qua. Chị bảo, chồng chị là người tốt tính, yêu thương vợ con, không phân biệt bên nội, bên ngoại, vậy nên anh ấy cũng dành nhiều thời gian chăm sóc mẹ vợ, đó cũng là cách giúp chị vơi bớt khó khăn, vất vả. Chị bảo cuộc sống gia đình như “lửa thử vàng” vậy, càng trải gian khó mà vẫn bao dung được cho nhau, bền lòng bên nhau mới thực sự là những giá trị đáng trân quý, đáng nâng niu, gìn giữ...

Vợ chồng anh Nguyễn Duy Hưng, công tác tại trường Đại học Tân Trào thường xuyên tổ chức đi dã ngoại,
vui chơi, check-in tái tạo năng lượng sau những ngày làm việc bận rộn. 

Về hạnh phúc gia đình, mỗi người lại có quan điểm riêng nhưng điều quan trọng là luôn giữ được ngọn lửa ấm áp. Là gia đình nghệ sỹ có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động nghệ thuật quần chúng, anh Hoàng Ngọc Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh chia sẻ: Hai vợ chồng anh cùng làm nghệ thuật, nên có sự thấu hiểu, tôn trọng, cảm thông và hỗ trợ được nhau ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Anh quan niệm hạnh phúc gia đình như chiếc đồng hồ ấy, càng giản dị bao nhiêu, càng ít hỏng hóc bấy nhiêu... Hàng tháng, dù bận rộn đến đâu, vợ chồng mình cũng gắng thu xếp thời gian đưa con cái về thăm ông bà nội ở xã Đại Phú (Sơn Dương) để ông bà đỡ nhớ con, nhớ cháu, cũng là để con cái được tận hưởng bầu không khí trong lành, được sống giữa tình ruột rà thân thuộc. Anh bảo, cứ rộng lượng, chân thành mà sống sẽ thấy mọi thứ nhẹ nhàng, tươi đẹp lắm...

Chị Phạm Thị Chuyên, thôn 17, xã Trung Môn (Yên Sơn) tâm sự, chị may mắn khi về làm dâu trong một gia đình có nền nếp, mọi người trong nhà luôn tôn trọng, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Gia đình chị Chuyên hiện có 11 người thuộc 4 thế hệ cùng chung sống. Chị cho rằng, điều quan trọng nhất là gia đình chồng chị giữ được nếp nhà, mọi người sống bao dung, chân thành với nhau, không ai để bụng những chuyện lặt vặt trong gia đình. Mái nhà lớn “tứ đại đồng đường” cũng chính là cơ hội tốt để mỗi người biết tự điều chỉnh hành vi, lối sống, lối ứng xử của chính mình, biết sống vì cái chung nhiều hơn. Chị bảo, để duy trì hạnh phúc gia đình, đều xuất phát từ cái tâm của mình hết. Tấm gương sáng là bố mẹ chồng mình rất có tâm trong việc chăm sóc ông bà nội, yêu thương vị tha với con cháu. Con cháu cũng noi theo gương đó để gìn giữ "Đạo nhà", kính hiếu ông bà, bố mẹ... Anh chị em trong nhà biết chia sẻ, bảo ban nhau phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái nên người. 

Chia sẻ về hạnh phúc gia đình, anh Nguyễn Duy Hưng, giảng viên Trung tâm Thể dục thể thao - Đại học Tân Trào lại có góc nhìn rất hiện đại. Anh cho biết, vợ chồng anh sống với ông bà nội đã ngoài 80 tuổi, anh có 2 cháu gái. Không khí gia đình anh rất cởi mở, dân chủ, bình đẳng. Cả nhà thường xuyên cùng nấu ăn, cùng dọn nhà, cùng đi chơi nhân lên bao yêu thương của cuộc sống. Quan điểm của anh là luôn đồng hành cùng con nhưng chỉ định hướng, hướng dẫn là chủ yếu, không "sống thay" con, không ép con học. Như vậy, các con sẽ có đức tính tự lập, điều đó luôn cần thiết ở cuộc sống này. Đó là cách anh dạy con, hướng tới tương lai phía trước.

Xây dựng xã hội hạnh phúc phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, hay nói cách khác, xây dựng gia đình hạnh phúc là yếu tố quyết định tạo nên một xã hội hạnh phúc. Giải quyết tốt các vấn đề của gia đình cũng đồng thời là giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Để giữ lửa ấm trong mỗi ngôi nhà, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt ra cộng đồng, xã hội, bên cạnh việc đề cao phát huy vai trò giáo dục của gia đình, còn cần khắc phục ngay bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình. Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, bởi văn hóa là gốc rễ để xây dựng gia đình bình an, hạnh phúc.

Theo Khánh Vân/baotuyenquang.com.vn

 

Xem tin theo ngày:   / /