Xây dựng Gia đình Việt Nam là mục tiêu và động lực phát triển đất nước bền vững

Thứ Ba, ngày 28 tháng 6 năm 2022 - 14:32 Đã xem: 1796

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hoá dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.

Ảnh minh họa. Tất Thắng

Không có gia đình tốt, không thể có xã hội tốt. Không có đứa con tốt, không thể có một người công dân tốt. Gia đình không thể thiếu của xã hội trong suốt chiều dài lịch sử loài người. Định nghĩa về gia đình đã liên tục phát triển và mở rộng hơn trước. Về cốt lõi, gia đình bao gồm những người thân ruột thịt như cha mẹ, ông bà, anh chị em, cũng như vợ chồng, con cái… Mối quan hệ xã hội, kỳ vọng và động lực giữa những người thân này phát triển theo thời gian và địa điểm. Đối với những người không có quan hệ họ hàng ruột thịt, những “gia đình kiểu mới” còn mang vai trò cung cấp tình yêu và sự hỗ trợ rất cần thiết về thể chất và tinh thần cho mọi thành viên.

Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về trẻ em năm 2002 đã ghi nhận: Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, cần được củng cố. Các nghiên cứu khoa học về “Đơn vị Gia đình” bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 và được kết tinh như một lĩnh vực xã hội học vào những năm 1960. Kể từ đó, các nhà khoa học xã hội đã đặc biệt chú ý đến vai trò của gia đình trong việc hình thành hành vi của mỗi cá nhân  và văn hóa ảnh hưởng đến cấu trúc gia đình. Công nghiệp hóa, toàn cầu hóa và sự phát triển của giao thông vận tải quốc tế giá rẻ và nhanh chóng đã dẫn đến những ảnh hưởng trong quan hệ các gia đình.

Theo các nhà tâm lý học, mối quan hệ gia đình rất quan trọng cho sự phát triển lành mạnh. Nghiên cứu cho thấy chất lượng của các mối quan hệ gia đình có ảnh hưởng đáng kể đến hạnh phúc. Mối quan hệ gia đình bền chặt hỗ trợ chúng ta khi bị căng thẳng, giúp chúng ta xử lý chấn thương và nâng cao lòng tự trọng của chúng ta.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách để giữ gìn giá trị gia đình và tạo mọi điều kiện để các ngành, các cấp và mỗi cá nhân chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc. Hàng năm, các cấp, ngành, tỉnh thành có các chương trình nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác gia đình đối với sự nghiệp phát triển địa phương, đất nước. Đồng thời, thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng xã hội, nòng cốt là xây dựng văn hóa gia đình hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội; kế thừa, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, gia đình Việt Nam [1].

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về ngày Gia đình Việt Nam. Ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [2].

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những phát triển, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 đã trở thành ngày ghi nhớ và phát huy truyền thống, nề nếp, gia phong, đánh thức mỗi người suy ngẫm sâu sắc hơn và hành động thiết thực hơn để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, hướng tới sự phát triển bền vững của Gia đình và của Tổ quốc.

Các gia đình hạnh phúc, kinh tế phát triển mới tạo dựng nên một quốc gia văn minh, vững mạnh. Đây cũng là ngày để mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và hoàn cảnh không có bố mẹ, các cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

Ngày Gia đình Việt Nam không chỉ là dịp tôn vinh những mái ấm gia đình Việt, còn là cơ hội để mỗi thành viên thấu hiểu và biết quý trọng hạnh phúc mình đang có. Gia đình là một cấu trúc quan trọng đối với mọi người trên khắp thế giới, nên việc dành  ngày này để đánh giá cao và gắn kết với những người quan trọng trong cuộc sống của chúng ta là rất ý nghĩa và cần được thúc đẩy thực hiện.

Đỗ Hồng Thanh

1. HP. Đẩy mạnh tuyên truyền về Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 , Báo điện tử  Đảng Cộng sản  Việt Nam, 21/4/2022.

2. Infonet. Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Giáo dục và thời đại, 20/6/2019.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem tin theo ngày:   / /