Hiểu truyền thống lịch sử để chắp cánh vươn tới tương lai

Thứ Hai, ngày 4 tháng 7 năm 2022 - 09:49 Đã xem: 12519

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng giáo dục "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, bởi truyền thống lịch sử chính là sức mạnh tiềm ẩn, là nét độc đáo riêng, là "hồn thiêng sông núi" của dân tộc Việt Nam. Lịch sử đã trả lời cho câu hỏi: Tại sao trải qua gần một nghìn năm bị đô hộ bởi phong kiến phương Bắc, không tài nào đồng hóa một con người Việt Nam? Tại sao đứng trước một sức mạnh bạo cường của những tên thực dân, đế quốc dân tộc ta vẫn trường tồn và phát triển?

Từ buổi đầu dựng nước và suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm chống thiên tai, dịch họa đến thế lực ngoại xâm để gìn giữ non sông luôn là khát vọng cháy bỏng của cha ông ta. Từ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thánh Gióng đến việc xây thành Cổ Loa, từ khởi nghĩa Bà Trưng, Bà Triệu đến khởi nghĩa Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng... trong suốt gần nghìn năm Bắc thuộc, khát vọng đó được minh chứng bằng ý chí, tinh thần Bà Trưng, Bà Triệu “Tôi chỉ muốn cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn , dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ” và hiện thực hóa bởi lời tuyên bố thành lập nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam cách đây 1054 năm (năm 968) với sự lên ngôi của Đinh Tiên Hoàng.

Bước vào thời đại phong kiến trung ương tập quyền, ý thức về một dân tộc hùng cường và bảo vệ nền độc lập dân tộc luôn rực cháy trong từng bước đi của dân tộc Việt Nam, được thể hiện qua ý thức xây dựng quốc hiệu Đại Việt,  kinh đô Thăng Long, qua lời thơ đanh thép mang giá trị tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt “Sông núi nước Nam, vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách trời”. Qua lời hiệu triệu vang động non sông, kêu gọi toàn dân chống giặc giữ nước trong Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi viết tiếp bản tuyên ngôn hùng tráng Bình ngô đại cáo sau chiến thắng chống giặc Minh “Như nước Đại Việt ta từ trước - Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác”. Cùng với giữ từng tấc đất thiêng liêng của dân tộc, tư duy mới về không gian phát triển đã thôi thúc ông cha ta đi mở mang bờ cõi. Lịch sử còn ghi nhận công lao của chúa Nguyễn Hoàng trong công cuộc nam tiến, lấn biển, khai hoang. Qua đó lãnh thổ được mở rộng, đất nước có không gian phát triển, văn hóa có cơ hội giao thoa với văn hóa các dân tộc ở vùng đất mới, tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của bản sắc văn hóa Việt Nam hôm nay. Từ công cuộc mở mang bờ cõi đã hình thành đất nước mang quốc hiệu Việt Nam liền một dải hình chữ S, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa... không thể tách rời, thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuối thế kỷ XIX thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, dân tộc Việt Nam đứng trước thử thách mới, với kẻ thù mới hùng mạnh hơn về kỹ thuật và vũ khí chiến tranh. Phát huy truyền thống yêu nước, khát vọng về nền độc lập của dân tộc, nhiều cuộc khởi nghĩa bùng nổ, nhiều hệ tư tưởng về giải phóng dân tộc được đề xướng. Mặc dù không thành công, nhưng đã thể hiện khát vọng vì một nền độc lập, khát vọng canh tân, hiện đại hóa đất nước. Cũng từ trong khó khăn, một thời đại mới đã xuất hiện - thời đại Hồ Chí Minh.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào ngày 03/2/1930 đã kịp thời dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bằng khát vọng “Dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, Nhân dân ta đã đánh thắng các đế quốc sừng sỏ nhất thế giới, giải phóng đất nước, bảo vệ vững chắc lãnh thổ quốc gia vững bước đi lên trong công cuộc đổi mới và giành nhiều thành tựu quan trọng, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước để thấy được dân tộc Việt Nam đã viết nên truyền thống lịch sử hào hùng. Truyền thống đó đã đem đến cho mỗi người chúng ta niềm tự hào và sức mạnh to lớn để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết tinh thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó bước qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”.

Khi đánh giá về truyền thống lịch sử của dân tộc Việt, một học giả nước ngoài đã có thời gian sống hơn 20 năm tại Việt Nam trong tác phẩm “Người Việt cao quý” đã viết: “Dân Việt là một dân tộc tự cường bất khuất đến một mức độ khá cao và tinh thần ấy giúp họ trở thành một kẻ bé nhỏ nhất mà lại mạnh nhất, bị chèn ép nhiều nhất nhưng lại quật khởi oai hùng bậc nhất. Người ta sẽ không bao giờ hiểu hết được sức mạnh ấy và sự cao lớn của tinh thần ấy nếu không đi vào bề sâu lịch sử của nòi giống Việt, nếu chỉ quan sát hời hợt sinh hoạt bình thường”. Rô-bớt Mắc Na-ma-ra, cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, người can dự vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam qua 2 đời tổng thống Ken-nơ-đi và Giôn-xơn trong hồi ký đã viết một trong những nguyên nhân căn bản khiến Mỹ thất bại trên chiến trường Việt Nam chính là “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó” và điều đó theo ông ta chính là “phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng ta (tức là Mỹ) về lịch sử văn hóa, chính trị” của nhân dân Việt Nam.

Nhìn về truyền thống lịch sử, nhớ về cội nguồn với những hy sinh cao đẹp của cha ông cho đất nước có tác dụng nuôi dưỡng tư tưởng, tâm hồn thế hệ sau để họ sống và làm việc xứng đáng với các thế hệ đi trước. Vì vậy mỗi thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phải được hiểu kỹ về truyền thống lịch sử nước nhà, phải được tắm mình vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Nếu không có niềm tự hào về dân tộc, tự hào về nền văn hóa dân tộc sẽ không thể vững tin vươn tới tương lai. Ở giai đoạn nước ta đang trong quá trình phát triển và hội nhập với thế giới, càng phải nâng cao sự hiểu biết về truyền thống lịch sử để chúng ta cùng quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua cánh cửa màu nhiệm mang tên “Truyền thống lịch sử”.

 Có nhiều cách để giáo dục truyền thống lịch sử, trước hết là ở trường học thông qua môn học lịch sử. Ðiều đáng suy nghĩ là, những năm gần đây kết quả học tập môn học này của học sinh còn kém. Phải chăng bộ môn này chưa được  quan tâm đúng mức, chưa có phương pháp giảng dạy sinh động hấp dẫn? Nhiều học sinh chưa thuộc sự kiện lịch sử  nói gì đến việc hiểu và thấm sâu ý nghĩa của các sự kiện đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Dân ta phải biết sử ta". Học sinh ngồi trên ghế nhà trường không thuộc sử, sau này khi ra trường bị cuốn hút vào công việc hằng ngày làm sao còn có điều kiện học sử nữa. Ngoài việc học tại trường lớp còn có nhiều hoạt động khác để hiểu biết về lịch sử  đất nước. Các nhà truyền thống, bảo tàng, di tích lịch sử...  chính là nơi học tập truyền thống sinh động bởi ở đó có những hình ảnh, hiện vật dễ gây ấn tượng và dễ nhớ. Những sản phẩm văn hóa mang nội dung lịch sử  có ý nghĩa giáo dục truyền thống lớn, tuy nhiên trong thực tế loại sản phẩm này lại hiếm. Nhiều ấn phẩm lịch sử đã xuất bản chưa thu hút được người đọc. Trong tủ sách của thiếu nhi có biết bao nhiêu truyện ly kỳ, bao nhiêu tranh truyện nhiều tập của nước ngoài nhưng lại rất thiếu những tập truyện về anh hùng dân tộc, về những trận chiến thắng lớn trong lịch sử. Những phóng sự, thước phim tư liệu vô cùng quý giá ghi lại truyền thống lịch sử, chiến thắng lịch sử  Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa xuân 1975... chỉ được  chiếu trong dịp kỷ niệm, ngày lễ. Tại sao không đưa vào các trường học để minh họa cho các bài giảng? Những lễ hội, những điểm du lịch thường diễn ra tại các di tích lịch sử, đây là dịp tốt để tuyên truyền, quảng bá lịch sử  nước nhà. Tổ chức biểu diễn và sản xuất nhiều băng đĩa các bài hát cách mạng nổi tiếng một thời sẽ gợi cho chúng ta nhớ lại chặng đường cách mạng vẻ vang của dân tộc. Hiện nay các nhân chứng lịch sử theo năm tháng ngày càng già yếu và mai một, nhưng không phải là không còn, trong đó có những người trực tiếp tham gia các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, có những thương binh, anh hùng trực tiếp cầm súng đánh giặc trong hai cuộc kháng chiến và vậy việc tổ chức những chương trình nghệ thuật kết hợp giao lưu với nhân chứng lịch sử mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc. Các chương trình giao lưu tại các địa điểm di tích, giao lưu nhân chứng lịch sử là cơ sở để chúng ta hiểu sâu sắc hơn về những trang sử hào hùng của ông cha ta đã hy sinh xương máu để bảo vệ quê hương, đất nước.

 Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống lịch sử,  cần được vận dụng bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú nhằm thấm sâu vào mỗi người lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự hào dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng chính là hành trang, sức mạnh, động lực và khát vọng để chắp cánh cho chúng ta hôm nay vươn tới tương lai.

Nguyễn Văn Đức

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 115 | Trang: 1 trên tổng số 12 trang  
Xem tin theo ngày:   / /