Đặc sắc trong văn học, nghệ thuật và tri thức dân gian người Tày Tuyên Quang

Thứ Hai, ngày 11 tháng 7 năm 2022 - 07:40 Đã xem: 9056

Tuyên Quang có truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, có không gian văn hóa vùng, miền với nhiều dân tộc cùng sinh sống và nguồn lực, vốn tri thức bản địa của nhân dân các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Tày. Nét đặc sắc trong văn học, nghệ thuật và tri thức dân gian người Tày không chỉ ở sự phát triển bền vững của cộng đồng mà còn thể hiện ở việc phát huy, tận dụng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng hiện nay.

Người Tày có vốn dân ca, dân vũ rất phong phú. Các điệu múa tập thể phản ánh đời sống lao động như múa lấy nước, múa làm cỏ, múa then…

Dân ca của người Tày gồm nhiều thể loại: Hát giao duyên của thanh niên nam nữ có lượn và cọi. Lượn gồm: Lượn mời trầu, mời nước, mừng vào nhà mới, mừng hoa, mừng bản, mừng thuyền… Cọi có cọi cây đa, cọi đối đáp, cọi ví… Trong đám cưới có hát quan làng. Trong các nghi lễ thờ cúng gia đình, cộng đồng làng bản có hát then.

Then là thể loại dân ca đặc sắc, mang đậm màu sắc tín ngưỡng của dân tộc Tày ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Tuyên Quang. Trong quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Trời”. Đó vừa là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái vừa là một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật: văn học, âm nhạc, múa…Vùng hát then tỉnh Tuyên Quang tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình và một số xã của các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên. Hát then của Tuyên Quang có đặc trưng là giai điệu mượt mà, đằm thắm và mở đầu câu hát bao giờ cũng có từ “ới la”, biểu hiện khát vọng giao đãi của con người với đất trời, thiên nhiên, vạn vật. Then Tuyên Quang có một số làn điệu cổ như Then cấp sắc công nhận một người đủ điều kiện làm thầy cúng, lo việc tâm linh của bản làng; Then kỳ yên (cầu điều lành và điều tốt) và Then lễ hội.

Ra đời trong dân gian, gắn với đời sống của dân gian nên lời hát then là sự phản ánh chân thực cuộc sống của người dân miền núi. Trong lễ cấp sắc của người Tày, lễ cầu an đầu năm mới, lễ chúc thọ cha mẹ…then là hình thức cơ bản để phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những mong muốn rất bình dị của người nông dân: Có thóc gạo, trâu bò, gà vịt đầy nhà; cha mẹ già trường thọ; gia đình hòa thuận yên vui, con cái hiếu thảo trưởng thành… Bên cạnh đó, trong then còn có nhiều nội dung phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội, đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người, ca ngợi tình nghĩa vợ chồng thủy chung. Then cũng bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc với những số phận không may mắn, những người nghèo khổ… Hiện nay, hát then đang được duy trì và phát triển.

Bảo tồn và phát huy giá trị Then là việc làm vô cùng cần thiết

Việc Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2019 đã cho thấy những giá trị to lớn của di sản này đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa chung của nhân loại. Hiện nay, việc duy trì và phát triển Câu lạc bộ hát Then là một sản phẩm du lịch độc đáo. Nhiều địa phương đã thành lập các câu lạc bộ hát then, đàn tính như: Câu lạc bộ hát Then, thôn Bản Nhùng, xã Năng Khả (Na Hang); Câu lạc bộ hát Then, đàn tính xã Tân Trào; Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính thôn Quan Hạ, xã Trung Yên, (huyện Sơn Dương); Câu lạc bộ hát dân ca người cao tuổi xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa)…

Dân tộc Tày có kho tàng truyện kể, câu đố, tục ngữ, ca dao khá phong phú. Truyện cổ tích, thần thoại: Sự tích loài người, Đá trông chồng, Sự tích nấm mối…được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng và ghi chép trong sách chữ Nôm.

Tục ngữ, ca dao, câu đố phản ánh, lưu truyền kinh nghiệm sản xuất, dự báo thời tiết, răn dạy con người làm điều thiện…

Đối với người Tày, gia đình là tổ ấm, là chốn để mỗi người hướng về. Trong các dịp lễ tết, người Tày vẫn có câu như: Bươn chiêng pây tái (Những người con gái sau khi đi lấy chồng, quanh năm cùng chồng con chú tâm công việc làm ăn nơi nhà chồng, lo toan quán xuyến hương khói thờ phụng ông bà tổ tiên nhà chồng. Ngày Rằm tháng Bảy là dịp được trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay chăm sóc, báo hiếu cha mẹ và sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên. Đây còn là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ đã vất vả khó nhọc sinh thành và chăm sóc, dạy dỗ cho cô gái mà mình lấy về làm vợ). Mối quan hệ giữa anh em trong nhà được nhắc đến: Van bấu quá nựa pết, chếp điếp bấu quá pi nọng (Không gì ngon bằng thịt vịt, thương nhau không gì bằng anh em).

Nông nghiệp của người Tày trước kia phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Vì vậy, thời tiết có ý nghĩa hết sức quan trọng và là mối quan tâm hàng đầu của đồng bào. Trước mỗi vụ trồng trọt, đồng bào thường quan sát môi trường xung quanh để đưa ra những dự báo thời tiết góp phần tạo nên những mùa vụ bội thu. Người Tày sử dụng tiếng sấm để dự báo thời tiết bởi đồng bào quan niệm sấm là trống của trời. Thời điểm xuất hiện tiếng sấm cũng là cơ sở để đồng bào Tày dự báo thời tiết: Fạ lọng bươn chiêng nặm phiêng/Fạ lọng bươn thong củ mằn (Trời sấm tháng giêng nước tràn ngập/ Trời sấm tháng hai gỡ dây lang)… Ngoài việc quan sát mây để đưa ra các dự báo về thời tiết thì đồng bào dân tộc Tày còn căn cứ vào gió: Lồm bưởng bắc lẻ phân/ Lồm bưởng đông lẻ đét (Gió hướng bắc thì mưa/ Gió hướng đông thì nắng.)

Kinh nghiệm trồng lúa nước kịp thời vụ có ảnh hưởng rất lớn đến thu hoạch: Slíp co lả bấu tấng hả co hua (Mười cây mạ cấy muộn không bằng năm cây mạ cấy sớm). Tục ngữ Tày không chỉ đúc rút kinh nghiệm trồng lúa mà còn đưa ra những kinh nghiệm trồng một số loại cấy khác: Bươn chiêng nẳm qua tặng/ Slí hả ván thúa ngà (Tháng giêng trồng dưa leo/Tháng tư, tháng năm gieo vừng đỗ). Cây vừng là loại cây nhiệt đới, ưa khí hậu nóng ẩm. Do vậy, mỗi vùng miền ở nước ta sẽ có thời điểm gieo trồng khác nhau. Theo quan niệm của đồng bào Tày, thời vụ thích hợp nhất để trồng là tháng 4 - tháng 5.

Kinh nghiệm về trồng trọt là một phần không thể thiếu trong tục ngữ Tày. Đồng bào thường truyền nhau kinh nghiệm canh tác: Lây óm chà, nà óm nặm (rẫy ủ cành, ruộng dầm nước), nghĩa là làm rẫy thì ủ cành lá cho mục, cho khô để đốt lấy tro làm phân bón cho cây trồng; còn làm ruộng thì ngâm nước cho đất ngấu. Khi làm đất đồng bào quan niệm: Thây nà lập đông, khẩu thuổm chang tổng (cày ruộng lập đông, lúa ngập đầy đồng)…

Câu đố của người Tày xoay quanh các đồ vật, sự việc hàng ngày hoặc theo 12 tháng trong năm. Câu đố của người dân tộc Tày gắn bó mật thiết với đời sống, đó là các sự vật, hiện tượng có liên quan đến đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán và lao động sản xuất hằng ngày của người dân. Có rất nhiều loại câu đố về bộ phận con người, vật dụng trong nhà, về các hiện tượng tự nhiên… Ví như câu đố về con chuồn chuồn với trí tưởng tượng rất tinh tế: Lạp pú nâng héo héo/Béc slí kép pản khảm kéo (Một ông cụ gầy gò/Vác bốn tấm ván qua đèo). Câu đố về hoạt động họp chợ: Bấu lỏng tó mà tom/Bấu cọn táng rán rác. (Chẳng ai gọi cũng đến/Chẳng ai đánh cũng tan).

Hiện nay, cùng với sự phát triển, đi lên của đời sống xã hội, ở nhiều nơi, nét văn hóa truyền thống của người Tày đang dần bị mai một. Nhiều địa phương, bà con đã không còn giữ được những nét đẹp văn hóa vốn có của dân tộc mình. Do vậy, việc lưu giữ, phát huy những nét đặc sắc trong văn học, nghệ thuật và tri thức dân gian người Tày là việc rất cần thiết. Nếu nhận thức được đầy đủ, rõ ràng giá trị và cơ hội phát triển du lịch từ tài nguyên di sản văn hóa các dân tộc, chúng ta sẽ có định hướng đúng đắn nhằm quy hoạch một cách phù hợp trên nguyên tắc vừa bảo tồn tối đa các yếu tố trong văn hóa truyền thống, vừa đáp ứng được các nhu cầu của du khách. Việc làm đó vừa phát huy được những giá trị di sản văn hóa, đồng thời góp phần phát triển du lịch, cải thiện và nâng cao đời sống cho Nhân dân./.

Mộc Miên

Xem tin theo ngày:   / /