Chung tay xây dựng Nông thôn mới

Chủ nhật, ngày 10 tháng 12 năm 2023 - 17:30 Đã xem: 9966

Trong những năm gần đây, tỉnh ta luôn nỗ lực, phấn đấu thực hiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới với mong muốn thay đổi diện mạo nông thôn, đổi mới toàn diện, ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển và giữ vững vai trò chủ đạo, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân địa phương; văn hóa, y tế, giáo dục phát triển đồng bộ; môi trường được bảo vệ góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng khang trang, sạch đẹp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Năm 2021 toàn tỉnh có 54/122 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (chiếm 44,2%); 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, toàn tỉnh có 62/122 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (chiếm 50,82%); 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiêu chí bình quân trên đạt 15,16 tiêu chí/xã (08 xã mục tiêu năm 2022 hiện đang thẩm định). Thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, phấn đấu triển khai thực hiện kế hoạch mục tiêu xây dựng 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. nâng tiêu chí bình quân trên xã toàn tỉnh đạt 15,7 tiêu chí/xã.

Tuy nhiên, việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã được công nhật đạt chuẩn nông thôn mới còn khó khăn, chưa bền vững, nhất là hiện nay khi thực hiện theo Quyết định số 318/QĐ-TTg bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có sự điều chỉnh với yêu cầu cao hơn. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh có 37 xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2022 còn một số tiêu chí, chỉ tiêu thành phần chưa đạt yêu cầu; một số xã phát sinh khó khăn theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025: Để đạt chuẩn Nông thôn mới, các xã nông thôn mới phải đạt 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu thành phần, tăng 18 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 - 2020; mức độ đạt chuẩn các tiêu chí cũng nâng cao hơn, như:  Tiêu chí về tỷ lệ nghèo đa chiều (tiêu chí hộ nghèo phải ở mức dưới 20% tổng số hộ trên địa bàn mới được công nhận đạt chuẩn); về giao thông (70% đường được bê tông, nhựa hóa mới đạt chuẩn); thu nhập,…

Xây dựng nông thôn mới nhằm mục đích phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn; xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do vậy, chính quyền các cấp cần quan tâm tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện các tiêu chí một cách bền vững. Cùng với việc phát huy vai trò của nhà nước, chính quyền địa phương là hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng, dẫn dắt, đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật thì vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới là vô cùng quan trọng; người dân chính là người tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện các công việc, tích cực đóng góp tiền của và công sức để tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, như: hiến đất làm các công trình phúc lợi, xây cầu, làm đường, chỉnh trang và làm đẹp đường làng, ngõ xóm, sân, vườn, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch đẹp,  phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa, giúp đỡ tiền của, vật chất, ngày công lao động để làm nhà cho hộ nghèo…

Những công việc nêu trên, đòi hỏi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, nhất là cấp cơ sở và mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức, chung tay, đồng lòng xây dựng nông thôn mới thực sự toàn diện, bền vững mang lợi lợi ích thiết thực cho người dân sinh sống vùng nông thôn./.

N.T.B.H

 

 

Xem tin theo ngày:   / /