Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lâm Bình

Thứ Hai, ngày 18 tháng 12 năm 2023 - 14:49 Đã xem: 3714

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện lâm Bình luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đến nay, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được nâng cao; cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đến hết năm 2022, toàn huyện có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chi hội phụ nữ thôn Nà Ráo, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình phấn đấu đưa mặt hàng thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Dao thành sản phẩm du lịch

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề vững chắc để huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới giai đoạn tiếp theo. Mục tiêu đến năm 2025, có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (4/9 xã), trong đó: Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 02 xã đã được công nhận đạt chuẩn, có thêm ít nhất 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; nâng số tiêu chí bình quân chung toàn huyện đạt 17 tiêu chí/xã. Sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết, Lâm Bình có 01 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (Thổ Bình) đạt 50% mục tiêu Nghị quyết; số tiêu chí đạt bình quân/xã là 13,1 tiêu chí, không có xã dưới 10 tiêu chí.

Để nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, Lâm Bình tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp:

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và cơ quan tham mưu giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp; làm tốt công tác, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới

Thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tham gia thành viên Ban Chỉ đạo các cấp. Rà soát, kiện toàn Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện, mỗi xã bố trí 01 công chức chuyên trách lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đảm bảo công tác tổ chức, triển khai, thực hiện Chương trình được đồng bộ, thống nhất từ huyện đến cơ sở.

Phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng nông thôn mới, nhất là cán bộ, công chức cấp xã, thôn bản.

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là nội dung và Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ tiêu chí Thôn nông thôn mới và Thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, huy động người dân hưởng ứng tham gia thực hiện Chương trình. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, gương mẫu đi đầu trong việc tham gia tuyên truyền và chủ động thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới, đóng góp xây dựng các hạng mục công trình công cộng và cải tạo khuôn viên vườn tạp của gia đình, sắp xếp nơi ở gọn gàng, hợp vệ sinh, thực hiện nếp sống văn hoá, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.

Triển khai hiệu quả Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 12/7/2022 của Uỷ ban nhân dân huyện Lâm Bình về thực hiện phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”giai đoạn 2021-2025. Mỗi cơ quan, đoàn thể ở các cấp, các ngành đều phải có việc làm cụ thể, thiết thực về xây dựng nông thôn mới, coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, ưu tiên phân bổ cho các xã mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Huy động nhân dân đóng góp ngày công lao động, giải phóng mặt bằng, vật tư, vật liệu, kinh phí thực hiện các nội dung về kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, vệ sinh đường làng ngõ xóm, chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch của hộ gia đình, hệ thống điện sau công tơ và phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch thực hiện Chương trình hàng năm

Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 04/10/2021 của Uỷ ban nhân dân huyện về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Lâm Bình giai đoạn 2021-2025.

Hằng năm, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phù hợp với mục tiêu, lộ trình theo kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025; trong đó, năm 2023, tập trung xây nông thôn mới nâng cao tại xã Thượng Lâm.

Rà soát, đánh giá kết quả duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cấp xã tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Hỗ trợ người dân phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá giá trị kinh tế

 Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông lâm nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến… hình thành một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm. Triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Triển khai thực hiện hiệu quả các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.

Đào Việt Dũng

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 292 | Trang: 1 trên tổng số 30 trang  
Xem tin theo ngày:   / /