Nguồn lực mới từ rừng

Thứ Ba, ngày 13 tháng 2 năm 2024 - 07:43 Đã xem: 5871

Với độ che phủ rừng trên 65%, trong đó có 229.145,72 ha rừng tự nhiên, 165.909,56 ha rừng trồng, hiện rừng Tuyên Quang đang là bể chứa các-bon khổng lồ. Đây là nguồn lực mới đóng góp cho việc bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và cam kết Netzero của Việt Nam với thế giới.

Lợi ích của tín chỉ các-bon

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên cả nước có khoảng 3 vùng đã sẵn sàng giao dịch tín chỉ carbon từ rừng. Vùng có trữ lượng lưu giữ carbon lớn nhất là vùng Đông Bắc - trong đó có Tuyên Quang - 21 triệu tấn carbon mỗi năm. Việt Nam đang có tới 50 triệu tín chỉ CO2 rừng có thể đem bán mỗi năm.Với giá bán 5USD/tín chỉ, tương đương 250 triệu USD/năm - một nguồn thu lớn từ rừng.

Tín chỉ các bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương. Để chuẩn bị tham gia thị trường tín chỉ carbon, Chính phủ đã thực hiện các bước chuẩn bị để thí điểm giao dịch từ năm 2025 và năm 2028 trở đi sẽ phát triển sàn giao dịch các bon trong nước và cả quốc tế.

Về lợi ích kinh tế, giao dịch tín chỉ carbon sẽ đem lại nguồn thu bổ sung bằng ngoại tệ cho việc bảo vệ và trồng rừng, tăng cường độ che phủ, bảo tồn và gìn giữ tài nguyên rừng; góp phần tăng ngân sách địa phương, tăng thu nhập của người trồng rừng và bảo vệ rừng.

Về môi trường, sẽ giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nỗ lực của cộng đồng quốc tế liên quan đến giảm nhẹ biến đổi khí hậu; đồng thời nâng cao chất lượng của hoạt động bảo vệ rừng và trồng rừng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thông qua việc hình thành và đưa vào hoạt động hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra cấp dự án.

Về xã hội, việc tham gia thị trường tín chỉ các bon rừng sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu xóa đói - giảm nghèo và phát triển bền vững của địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò của rừng trong việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan; cải thiện điều kiện sức khỏe của cộng đồng xung quanh; góp phần cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của địa phương thông qua các lợi ích thu được từ hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới.

Không thiếu khách hàng, nhưng thiếu khung pháp lý

Năm 2021, thông qua Hội chủ rừng Việt Nam, Công ty cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) và Công ty Swiss Carbon Value Ltd. (thuộc Tập đoàn South Pole Holding, Thụy Sỹ) đã đến Tuyên Quang đặt vấn đề hợp tác phát triển các dự án tín chỉ các-bon trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ đề xuất thực hiện thí điểm phát triển dự án tín chỉ các-bon đối với rừng trồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo cơ chế VCS (là tiêu chuẩn chứng nhận giảm phát thải các-bon, được quản lý bởi Verra, một tổ chức phi lợi nhuận để đảm bảo chất lượng trong việc chứng nhận các dự án giảm phát thải các-bon tự nguyện).

Cán bộ Trạm Kiểm lâm khu A, thuộc Hạt Kiểm lâm Na Hang tuần tra bảo vệ rừng.

Tính toán của VNEEC cho thấy, nếu dự án được phê duyệt thì từ năm 2022 đến năm 2030 Tuyên Quang sẽ bán được trên 1,8 triệu tín chỉ, trung bình mỗi năm gần 63 nghìn tín chỉ. VNEEC sẽ mua với giá 8 USD/tín chỉ, Tuyên Quang sẽ đạt tổng doanh thu gần 12,1 triệu USD.

So với tiền bán gỗ từ 1 ha keo 7 năm tuổi đạt khoảng 160 triệu đồng, rừng trồng gỗ lớn chu kỳ 10 năm đạt khoảng 300 triệu đồng, thì việc bán tín chỉ các-bon là nguồn thu mới rất hấp dẫn cho chủ rừng.

Ngoài VNEEC, năm 2022 tỉnh Tuyên Quang được Cục Lâm nghiệp đưa vào dự án hợp tác với Công ty Lâm nghiệp SK Hàn Quốc về giảm phát thải khí nhà kính nhằm quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Nhưng hiện nay dự án mới đang giai đoạn xây dựng báo cáo khả thi.

Mới đây, Tập đoàn VE kết nối với các công ty của Đức và Thụy Sỹ, có trụ sở tại Hà Nội đã đặt vấn đề với Tuyên Quang để xây dựng hồ sơ tín chỉ carbon rừng. Bao gồm 3 giai đoạn: chuẩn bị đầu tư, chứng nhận sản phẩm CO2 (tín chỉ carbon) và đầu tư kinh doanh thương mại chứng chỉ CO2. Theo đó, VE tự đảm bảo kinh phí xây dựng hồ sơ tín chỉ Carbon rừng theo tiêu chuẩn VCS/JNR và phù hợp với quy định, đồng thời hỗ trợ tỉnh đàm phán, ký hợp đồng đầu tư kinh doanh và bán tín chỉ Carbon rừng.

Như vậy có thể thấy, khách hàng mua tín chỉ carbon rừng thì sẵn, nhưng hiện vẫn thiếu khung pháp lý để thực hiện việc giao dịch tín chỉ carbon. Bởi theo lộ trình, đến năm 2025 Việt Nam mới thành lập và tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon thí điểm, năm 2028 mới vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương (Sơn Dương) chia sẻ, với 2.800 ha rừng, trong đó có 800 ha rừng tự nhiên, lưu trữ các-bon tại rừng do Công ty quản lý là rất lớn. Ông và Công ty mong mỏi sớm có khung pháp lý để giao dịch tín chỉ carbon rừng, để những người làm rừng có thêm nguồn thu nhập.

So với những khách hàng truyền thống của rừng như các doanh nghiệp chế biến lâm sản, du lịch sinh thái, cây dược liệu dưới tán rừng…; thì những khách hàng mua tín chỉ các-bon sẽ đem lại nguồn thu mới hấp dẫn, là nguồn lực mới rất đáng kể cho các địa phương bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng núi còn nghèo, đang sống phụ thuộc vào rừng.

Mùa xuân đã đến giúp các cánh rừng thêm xanh. Hy vọng mong mỏi của ông Thái và các chủ rừng về việc được thí điểm giao dịch tín chỉ carbon sẽ sớm thành hiện thực.

Theo Hà Linh/baotuyenquang.com.vn

Xem tin theo ngày:   / /