Phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa, tiềm năng thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch

Thứ Hai, ngày 1 tháng 4 năm 2024 - 11:21 Đã xem: 1406

Tuyên Quang là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa. Với 22 dân tộc cùng chung sống, những nét đặc trưng của văn hóa các dân tộc đã kết đọng trong cộng đồng dân cư, tạo nên những sắc thái riêng biệt và trở thành những di sản văn hóa phong phú. Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã sáng tạo, gìn giữ được một kho tàng văn hóa giàu bản sắc. Những đình, đền, chùa, miếu, thành quách, chuông bia, thần phả, ngọc phả; những câu chuyện cổ tích, tục ngữ, ca dao giải thích nguồn gốc dân tộc, phản ánh cuộc sống hằng ngày của người dân; những làn điệu Then, Gọi Sli, Lượn, Sình Ca...; các lễ hội Lồng Tông, Cầu Mùa, Cấp Sắc; những trò chơi dân gian tung còn, đẩy gậy, đánh yến...; những đường nét đẹp, tinh xảo, duyên dáng của hoa văn thêu trên những tấm thổ cẩm, vải, hàng mây, tre đan và đồ trang sức đã thể hiện sinh động, đặc sắc đời sống tinh thần của các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang.

Ngoài ra, thiên nhiên cũng ưu đãi cho Tuyên Quang nhiều tài nguyên quý giá: Độ che phủ rừng trên 60%, nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng, trong đó có những rừng nguyên sinh, nhiều động, thực vật quý hiếm như Tát Kẻ - Bản Bung, Cham Chu; địa hình được kiến tạo đặc biệt đã tạo nên núi non hùng vĩ và những cảnh đẹp ngoạn mục: Thác Pác Ban, Động Tiên, hang Bó Ngoặng, núi Dùm, núi Là, núi Nghiêm... Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình nơi giao duyên giữa tạo hoá và con người với những thắng cảnh gắn liền huyền thoại và sự tích...; trên địa bàn tỉnh có hàng trăm hang động nằm dưới các cánh rừng già đã được xếp hạng danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt. Tuyên Quang còn sở hữu suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước khoáng nóng 68 độ như một viên ngọc quý giấu mình trong phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, từ nhiều năm nay đã nổi danh về giá trị chữa bệnh và nghỉ dưỡng...

Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế năm 2023

Xác định việc giữ gìn và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh đã luôn quan tâm xây dựng, phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần và xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện. Đồng thời, tỉnh đã có Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh xây dựng và ban hành các đề án, quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch. Tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng nhằm định vị thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch quốc gia như Khu du lịch Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình. Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của tỉnh. Chính quyền các cấp trong tỉnh đã ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và kêu gọi đầu tư vào phát triển du lịch; thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư phát triển du lịch như Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn Sun Group…

Xác định du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, các hoạt động hằng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức khai mạc năm du lịch nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, các giá trị di sản văn hoá, tài nguyên, sản phẩm du lịch của tỉnh, qua đó kích cầu du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư đến với Tuyên Quang, góp phần thúc đẩy tăng tốc phát triển du lịch, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.  (Ngày 06/02/2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang 2024, theo đó, các chuỗi các hoạt động sẽ được tổ chức tại tỉnh nhằm thu hút du khách đến Tuyên Quang và hội nghị truyền thông về các hoạt động khai mạc tổ chức tại thành phố Đà Nẵng để quảng bá về du lịch Tuyên Quang sẽ được bắt đầu từ cuối tháng 3/2024).

Năm 2024, điểm nhấn trong kế hoạch khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang 2024 là việc tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế - Tuyên Quang lần thứ III, năm 2024[1]. Số lượng khinh khí cầu dự kiến tham gia Lễ hội là khoảng trên 20 chiếc, gồm 10 khinh khí cầu bay tự do, 05 khinh khí cầu bay treo, 07 khinh khí cầu bay trình diễn, do các phi công quốc tế, đến từ các quốc gia: Anh, Úc, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan.. và Việt Nam điều khiển. Chương trình lễ hội sẽ có văn nghệ chào mừng, trình diễn ánh sáng khinh khí cầu và bay treo miễn phí, bay tự do thu phí theo quy định. Ban Tổ chức dự kiến mời các ban nhạc Disc Jockey (DJ) đến Tuyên Quang trình diễn, những buổi trình diễn kết hợp giữa ánh sáng và âm nhạc sôi động hứa hẹn tạo thành những bữa tiệc tinh thần thoải mái phục du khách và Nhân dân lao động trong dịp Quốc tế lao động 1/5 năm nay.

Để khai thác hiệu quả truyền thống, bản sắc văn hoá thông qua các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, rất cần sự đồng thuận của Nhân dân và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; sự huy động tham gia của các tổ chức, cá nhân để bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ và an ninh trật tự trong khu vực diễn ra các hoạt động của lễ hội là rất quan trọng. Nhận thức và mỗi hành động của từng cá nhân tham gia các lễ hội được tổ chức tại tỉnh cũng như các hoạt động du lịch sẽ góp phần quan trọng làm nên sự thành công của một năm du lịch Tuyên Quang 2024.

 

[1]: Tại Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 29/02/2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức Lẽ hội khinh khí cầu quốc tế - Tuyên Quang lần thứ III, năm 2024

Hoàng Mai

Xem tin theo ngày:   / /