Tăng cường phòng, chống bệnh dại

Thứ Tư, ngày 10 tháng 4 năm 2024 - 08:50 Đã xem: 827

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại. Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Theo thống kê trong vòng 05 năm qua, trên cả nước đã có 410 người chết vì bệnh dại và trên 2,7 triệu người phải điều trị dự phòng bệnh dại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng và thiệt hại lớn về kinh tế.

Tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại

Trước tình hình gia tăng bệnh dại trên người và động vật tại nhiều nơi, với 18 người tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố, trong giai đoạn chỉ từ đầu năm 2024 đến nay, ngày 14/3/2024 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 22/CĐ-TTg về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Công điện nêu: Ngày 21/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước vẫn có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố; 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi); trong 2 tháng đầu năm 2024, đã có 18 người tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023, số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra trường hợp chó dại cắn 14 học sinh và giáo viên trong trường học.

Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn, số ca tử vong do bệnh dại, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại theo đúng quy định của pháp luật về thú y, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 07/3, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản số 832/UBND- KT về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư, hộ gia đình về bệnh dại, hiệu quả của việc tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo để người dân nâng cao nhận thức. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai nội dung trên đến với hộ gia đình, cộng đồng dân cư trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 70% tổng đàn vật nuôi trong năm 2024. Sở Y tế tăng cường phối hợp liên ngành, chủ động cung cấp đủ vắc - xin, kháng huyết thanh điều trị cho người phơi nhiễm với bệnh dại, chỉ đạo các cơ sở y tế tích cực tư vấn cho người bị phơi nhiễm điều trị dự phòng kịp thời… 

Các biện pháp phòng ngừa bệnh dại

Bệnh dại nguy hiểm, nhưng có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

(1) Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

(2) Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch.

(3) Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vắc xin phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ

(4) Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

- Rửa ngay vết thương với xà phòng và nước sạch dưới vòi chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn IOD hoặc các chất sát khuẩn khác để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn.

- Không chà sát, không nặn máu để tránh tổn thương rộng hơn. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Sau đó cần đưa ngay người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt.

- Khi xử lý vết thương do bị động vật cắn người dân cần chú ý: Không băng kín, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương; Không chữa bệnh dại bằng Đông y hay thuốc Nam.

- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Việc khám và điều trị dự phòng dại bằng tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại phải được thực hiện càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ sau khi bị cắn. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại./.

Hải Thủy

Xem tin theo ngày:   / /