Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin

Chủ nhật, ngày 14 tháng 4 năm 2024 - 14:00 Đã xem: 1329

“Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại” là một trong ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Để tạo đà bứt phá, hoàn thành khâu đột phá quan trọng này, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm; quan tâm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên môi trường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thi công, phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, thi công “3 ca 4 kíp”, làm việc xuyên lễ, xuyên Tết đối với các công trình trọng điểm; tổ chức khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn với chiều dài hơn 10 km, tạo điều kiện kết nối khu vực nội thành phố Tuyên Quang với trung tâm huyện Yên Sơn, các cơ quan hành chính của tỉnh, Trường Đại học Tân Trào, các nhà máy chế biến, công nghiệp… là tiền đề hình thành và phát triển khu đô thị mới gắn kết chặt chẽ với khu trung tâm thành phố. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 từ ngày 01/01/2024 đến ngày 21/3/2024: 777,456/4.734,019 tỷ đồng, đạt 16,4% kế hoạch.

Triển khai thực hiện Kế hoạch về chuyển đổi số năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; đưa vào sử dụng hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành Đô thị thông minh (IOC). Hiện tại đang kết nối tích hợp được các hệ thống: Chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang (Tuyên Quang ID, Phản ánh hiện trường); hệ thống CSDL ngành giáo dục; Hệ thống Giám sát và Phân tích thông tin trên môi trường mạng Reputa (báo điện tử, diễn đàn, blog, mạng xã hội: Facebook, Instagram, các kênh video Youtube,...); nâng cấp hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Tuyên Quang; tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nền tảng số; duy trì kết nối 18 dịch vụ dữ liệu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và Nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia (VDXP) qua nền tảng LGSP của tỉnh. Hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung (SOC) tỉnh Tuyên Quang hoạt động liên tục, giám sát 24/24 giờ các Hệ thống thông tin, máy tính trên địa bàn tỉnh; thực hiện kết nối chính thức Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an, hiện đang tiếp tục thực hiện kết nối Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an với App Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang (Tuyên Quang ID). Phát triển kinh tế số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư: Toàn tỉnh có 01 ngân hàng số và 90 máy giao dịch tự động (QTM/CDM), trên 30.000 QR code, Viet QR đang hoạt động; 100% các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện chi trả lương hưu qua ngân hàng cho các đối tượng thụ hưởng. Các ngân hàng thương mại; kết nối cung cấp các dịch vụ thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như chuyển khoản, POS, QR code tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số đạt 100%. Triển khai mô hình chợ 4.0 tại các chợ: An Phú, Tam Cờ, Phan Thiết của thành phố Tuyên Quang; chợ Km39, chợ xã Thái Hòa, chợ xã Đức Ninh, chợ xã Bình Xa của Huyện Hàm Yên. Tập trung đẩy mạnh phát triển xã hội số: 100% cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục ứng dụng thẻ CCCD thay thế Bảo hiểm y tế giấy để khám bệnh; 100% trường trung học; 100% cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng học bạ điện tử đối với học sinh các lớp đầu cấp; triển khai Ứng dụng Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh và Trang Zalo OA “Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang” góp phần thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và thúc đẩy sự tương tác, tham gia ý kiến của người dân vào các chủ trương, vấn đề, lĩnh vực tại địa phương; triển khai thử nghiệm 5 trạm mạng 5G tại thành phố Tuyên Quang và huyện Chiêm Hóa.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, như: Đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, các trục phát triển của huyện Sơn Dương, huyện Hàm Yên; dự án cầu Xuân Vân huyện Yên Sơn, xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường THPT Chuyên tại địa điểm mới…; thực hiện bố trí vốn đối ứng các dự án trọng điểm, liên kết vùng có ý nghĩa quan trọng đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công các dự án mới trong năm 2024, nhất là các dự án, công trình thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Phan Thanh Bình

Xem tin theo ngày:   / /