Củng cố niềm tin của Nhân dân từ hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng

Thứ Tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024 - 09:33 Đã xem: 1051

Tham nhũng là một hiện tượng xã hội có tính lịch sử, gắn liền sự ra đời và tồn tại của Nhà nước. Tham nhũng có mặt ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, giàu hay nghèo, có một đảng hay nhiều đảng lãnh đạo và hiện đang trở thành vấn nạn của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Ngay từ năm 1945, khi Đảng lãnh đạo Nhân dân tiến hành cách mạng Tháng Tám thành công, xây dựng chính quyền mới, Đảng đã chỉ ra các hiện tượng tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn… Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: tham nhũng, quan liêu, lãng phí là giặc nội xâm, kẻ thù của Nhân dân.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, đặc biệt tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã cảnh báo: nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội là một trong bốn nguy cơ trước mắt của đất nước. Hội nghị Trung ương 5 khóa XI của Đảng đánh giá: tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước. Xác định công tác phòng, chống tham nhũng là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là “đối sách” phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt từ khi Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 ra đời, công tác phòng, chống tham, nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, được triển khai một cách quyết liệt, toàn diện và hiệu quả. Với phương châm “trị bệnh cứu người”, “đập chuột không để vỡ bình”, nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Bất chấp mọi cố gắng, nỗ lực và những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, các thế lực thù địch đã khai thác, lợi dụng một số vụ án tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta để xuyên tạc, chống phá công cuộc đổi mới và sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Chúng dùng thủ đoạn tuyệt đối hóa phần đánh giá hạn chế, khuyết điểm trong các báo cáo, kết luận của Đảng và nhà nước về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng; lấy vi phạm của một số cán bộ, đảng viên, một số vụ việc, vụ án trọng điểm đang được chỉ đạo, xử lý để “phóng đại” thành tình hình chung; tách rời tham nhũng với công tác phòng, chống tham nhũng để khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, đổ lỗi cho năng lực của người đứng đầu. Nguy hại hơn, chúng cho rằng nạn tham nhũng ở Việt Nam là do chúng ta duy nhất chỉ có một Đảng cầm quyền dẫn đến sai lầm về đường lối và tất yếu xảy ra tham nhũng. Mục đích của chúng nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, chia rẽ, gây mất đoàn kết trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chia rẽ Đảng với Nhân dân. Âm mưu thâm độc cuối cùng của chúng là hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện “đa nguyên, đa đảng” ở Việt Nam.

Trước các thủ đoạn, âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, chúng ta cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo. Cần nhận thức sâu sắc rằng: Đảng ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh hành vi tội phạm tham nhũng, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Theo tinh thần tự phê bình và phê bình sâu sắc, Đảng không giấu diếm khuyết điểm của mình mà luôn nhìn nhận thẳng thắn để sửa chữa. Những cán bộ, đảng viên vi phạm, dù là ai cũng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tỉnh Tuyên Quang tích cực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Năm 2023, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; kỷ luật nghiêm minh cán bộ, đảng viên có sai phạm; chấn chỉnh tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm; cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Trong năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện 04 cuộc kiểm tra đối với 103 tổ chức đảng, 02 cuộc giám sát đối với 23 tổ chức đảng và 02 đảng viên. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đã tổ chức 02 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 08 tổ chức đảng và 70 đảng viên. Chỉ đạo cấp ủy cấp huyện và cơ sở thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 01 tổ chức đảng và 92 đảng viên. Ngành thanh tra đã thực hiện 427 cuộc thanh tra, kiểm tra. Những tập thể và cá nhân sai phạm đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo, rà soát, thống nhất đưa 03 vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra trên địa bàn vào diện theo dõi, chỉ đạo xử lý. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, báo chí và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổ chức Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết nối tới 191 điểm cầu với hơn 23.000 đại biểu tham dự. Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thu hút 10.035 người tham dự với 30.581 lượt thi, 54.620 lượt bài viết…Hội đồng Nhân dân tỉnh tổ chức 08 cuộc giám sát chuyên đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách, tài sản công, đào tạo nghề giải quyết việc làm cho người lao động…

Hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Tuyên Quang nói riêng đã tạo niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta./.

Nguyễn Nhung

Xem tin theo ngày:   / /