Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hoá - văn nghệ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước

Thứ Tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024 - 18:45 Đã xem: 1158

Tuyên Quang là tỉnh giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, có nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo. Các cấp uỷ đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm và có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư, tạo điều kiện cho hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật của tỉnh phát triển đúng định hướng, đúng pháp luật, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân.

Lễ hội rước Mẫu Đền Hạ-Đền Thượng-Đền Ỷ La năm 2024, tại thành phố Tuyên Quang

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XV) đã ban hành Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 18/9/2014, trong đó xác định việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện. Trong những năm qua, tỉnh đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về phát triển văn hoá, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch. Công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá, di sản văn hoá phi vật thể và truyền thống văn hoá tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tốt. Các dự án, quy hoạch, kế hoạch phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích đã và đang được triển khai, phục vụ kịp thời công tác giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hoá với phát triển du lịch.

Hiện nay, toàn tỉnh có 660 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 03 Khu di tích và danh thắng quốc gia đặc biệt (Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình; Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang – Lâm Bình); 182 cấp di tích quốc gia, 270 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh là địa chỉ tham quan, giáo dục lịch sử truyền thống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Toàn tỉnh hiện có 425 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, trong đó có 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang được giao chủ trì, phối hợp với 10 tỉnh (gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên) xây dựng hồ sơ và đề nghị Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 03/9/2022, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, tỉnh đã phối hợp với các tỉnh có liên quan tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO gắn với lễ hội Thành Tuyên năm 2022. Tại Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” đã được trình diễn trang trọng trước đông đảo công chúng trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào việc quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè các nước trên thế giới.

Tỉnh luôn quan tâm, chú trọng bảo tồn, phục dựng, duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 54 lễ hội, trong đó 48 lễ hội truyền thống, 06 lễ hội văn hóa. Nhiều lễ hội được nghiên cứu, phục dựng và tổ chức quy mô, bài bản[1]. Đặc biệt, Tuyên Quang có Lễ hội Thành Tuyên - Lễ hội đặc sắc do chính Nhân dân Tuyên Quang khởi xướng và duy trì từ nhiều năm nay, được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận là “Lễ hội có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam”. Lễ hội Thành Tuyên đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, nhất là trẻ thơ, trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng, hấp dẫn, riêng có của Tuyên Quang, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Nhằm bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh luôn quan tâm đến việc thành lập các câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, các giá trị tích cực trong tín ngưỡng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc; trên 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính; 06 câu lạc bộ hát Páo Dung của dân tộc Dao; 25 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan... được duy trì hoạt động thường xuyên. Tiêu biểu có Câu lạc bộ hát Then đàn tính xã Tân An, huyện Chiêm Hoá; Câu lạc bộ bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn; Câu lạc bộ hát Páo Dung thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình...

Lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã có nhiều hoạt động rất tích cực, đánh dấu sự chuyển biến khi chuyển giao thế hệ từ các bậc văn nghệ sỹ cao niên sang những người làm công tác văn nghệ trẻ tuổi, các hoạt động văn học, nghệ thuật diễn ra trong tỉnh ngày càng đa dạng, phong phú, nâng cao được chất lượng và số lượng; đội ngũ văn nghệ sỹ trẻ hoá, được trang bị về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, kỹ năng sáng tác, biểu diễn đã gặt hái được những thành công trong các cuộc thi, hội thi cấp khu vực và toàn quốc; sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật của tỉnh đã góp phần mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, số lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật đạt giải thưởng quốc gia và quốc tế tăng lên so với giai đoạn trước. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật của tỉnh có nhiều đổi mới; các hoạt động văn học, nghệ thuật đã thu hút đông đảo văn nghệ sỹ và Nhân dân trong tỉnh tham gia; việc trao truyền, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc được tăng cường, số lượng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú tăng lên, phát huy được tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá nghệ thuật dân gian. Nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ, biên đạo đã sưu tầm, nghiên cứu chất liệu văn hóa dân gian, sáng tác, dàn dựng và biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc trên địa bàn tỉnh nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nhiều tác phẩm âm nhạc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của Tuyên Quang được dàn dựng và tổ chức biểu diễn thành công trong các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 11 Nghệ sĩ Ưu tú, 02 Nghệ nhân Nhân dân, 11 Nghệ nhân Ưu tú; văn nghệ sỹ, nghệ nhân luôn phát huy tài năng năng lực sáng tác, trao truyền và quảng bá văn học, nghệ thuật, các giá trị văn hoá dân tộc tới đông đảo Nhân dân trong và ngoài tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã sáng lập và duy trì Giải thưởng Tân Trào được để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật[2]. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã tổ chức trao tặng 03 lần cho 50 tác giả, nhóm tác giả với 33 tác phẩm, cụm tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật và công trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ được đánh giá xuất sắc, có tính sáng tạo, có tác dụng giáo dục thẩm mỹ.

Phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh hiện nay phát triển khá mạnh, góp phần tạo môi trường sáng tạo và truyền bá nghệ thuật, toàn tỉnh có 2.638 đội văn nghệ quần chúng được duy trì hoạt động thường xuyên, bình quân mỗi năm biểu diễn trên 10.000 buổi phục vụ Nhân dân. Các câu lạc bộ Thơ được thành lập và thường xuyên tổ chức các chương trình thơ, đêm thơ, xuất bản tập thơ..., để giới thiệu tới bạn đọc các tác phẩm thơ, văn của các văn nghệ sĩ trong tỉnh...  Hằng năm, tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng từ cấp tỉnh đến cơ sở, tạo được phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi, lành mạnh, nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, sự sáng tạo và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú trên địa bàn dân cư, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội và bài trừ hủ tục, lạc hậu[3].

Hệ thống thư viện từ tỉnh đến huyện được quan tâm đầu tư; ở cơ sở được trang bị tủ sách, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân đến tìm kiếm và sử dụng thông tin; bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm văn hoá tích cực tuyên truyền để Nhân dân duy trì thói quen đọc sách để trang bị kỹ năng, kiến thức, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc” thu hút giới trẻ tham gia; góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao trình độ dân trí và đời sống tinh thần của Nhân dân.

Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh luôn tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về văn hoá; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hoá tới Nhân dân trong tỉnh để bảo đảm thực hiện quan điểm đúng đắn của Đảng tại Nghị quyết số 33-NQ/TW: “Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”.

Những thành tích nêu trên là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, đội ngũ những người làm văn hoá và Nhân dân Tuyên Quang với những phẩm chất truyền thống tốt đẹp luôn vượt qua trở ngại, thách thức để đạt được những mục tiêu chung đã xác định tại Chương trình hành động số 37-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW: “Xây dựng, phát triển Tuyên Quang tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển của tỉnh. Xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ”.

[1]: Đã phục dựng, tổ chức các lễ hội như: lễ hội Lồng Tồng, lễ hội cầu May, lễ hội cầu Mùa của dân tộc Tày; lễ hội Đầm Mây của dân tộc Dao; lễ hội đình Như Xuyên, đình Giếng Tanh, đình Song Lĩnh, đình Minh Cầm của dân tộc Cao Lan; lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn.

[2]: Giải thưởng trao tặng cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học xuất sắc, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội.

[3]: Tổ chức Hội thi gia đình tiêu biểu toàn tỉnh làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Tuyên Quang; Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Tuyên Quang gắn với Liên hoan các gia đình tiêu biểu làn theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Liên hoan hát Then tính tẩu toàn tỉnh; Liên hoan câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Liên hoan nghệ thuật quần chúng với chủ đề: Hát về người chiến sĩ Công an nhân dân; Hội thi Gia đình tiểu biểu chung sức xây dựng nông thôn mới; Liên hoan các nhóm tuyên tuyền Ca khúc cách mạng; Hội thi Tiếng hát đồng quê, Nhà nông đua tài, Nông dân Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới, Hội thi tìm hiểu kiến thức gia đình…

Hoàng Mai

Xem tin theo ngày:   / /