Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới phương pháp học tập lý luận chính trị

Thứ Tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024 - 17:23 Đã xem: 2667

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc trang bị kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Người đã để lại những chỉ dẫn quý báu về phương pháp học tập lý luận chính trị, giúp cán bộ, đảng viên những cách thức và kinh nghiệm học tập hệ thống tri thức của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc…

Ảnh minh họa: Tất Thắng
Ngày 24/4/1950, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, nói chuyện với học viên khóa II trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và đưa ra những quan điểm về phương pháp và mục tiêu học tập lý luận. Người căn dặn: “Việc học không phải chỉ xem sách nhiều là được. Như vậy là lý luận suông. Phải kết hợp thực tiễn với lý luận, học đi đôi với trao đổi kinh nghiệm thực tế. Học phải tự giác và tự động”(1). Người đặc biệt nhấn mạnh việc tu dưỡng phẩm chất của người cán bộ: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính và gần gũi quần chúng, hai điểm ấy các đồng chí phải làm cho được. Như thế mới xứng đáng là người đảng viên, là người cách mạng”(2).

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp và mục tiêu học tập lý luận chính trị đến nay vẫn hoàn toàn phù hợp với thực tế. Vận dụng tư tưởng của Người vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thành phố cần lưu ý thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, các cơ sở đào tạo cần thay đổi nhận thức về sự cần thiết phải đổi mới nội dung, phương pháp học tập lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu thực tế. Trong khi tình hình thế giới, trong nước đã có nhiều biến đổi, việc học tập lý luận chính trị cũng phải có những thay đổi cho phù hợp, để việc học lý luận chính trị không trở nên sơ cứng, giáo điều, máy móc, khô khan. Phải thường xuyên nắm bắt tình hình, cập nhật thông tin mới để bài giảng phong phú, giàu kiến thức thực tế, thích ứng với xu thế thời đại. Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả vào hoạt động dạy học lý luận chính trị để các bài giảng lý luận chính trị luôn mới mẻ và hấp dẫn.

Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo lý luận chính trị theo phương châm “học đi đôi với hành”; “lý luận gắn với thực tế”. Không học theo kiểu “lý luận suông”. Trang bị đầy đủ kiến thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Tích cực nghiên cứu lý luận để có cơ sở và minh chứng thực tế bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Ba là, giảng viên, học viên cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư”. Thực hiện nghiêm Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định 08-Qđi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm… để phòng chống suy thoái từ sớm, từ xa.

Bốn là, đổi mới phương pháp và cách thức quản lý học viên. Sử dụng các phương pháp quản lý phù hợp, tránh lãng phí thời gian mà hiệu quả cao. Quản lý học viên thông qua giao các bài tập, thảo luận, xêmina, trao đổi, học tổ, nhóm…, đặt ra các tình huống để học viên thảo luận cách xử lý. Kịp thời động viên, khích lệ học viên. Bản thân các học viên phải nêu cao tinh thần “tự giác và tự động” trong học tập. Khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị trong một bộ phận học viên. Thường xuyên tổ chức các buổi nghiên cứu thực tế tại cơ sở, vận dụng kiến thức đã được trang bị vào hoạt động thực tế.

Thực hiện các giải pháp đổi mới phương pháp học tập lý luận chính trị nêu trên sẽ nâng cao chất lượng việc học tập lý luận chính trị, giúp học viên có khả năng vận dụng lý luận vào thực tế, giải quyết các vấn đề đặt ra tại cơ sở, góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch./.

Nguyễn Nhung

(1), (2) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, NXBCTQGST, Hà Nội, 2016,tập 4, tr 343

Xem tin theo ngày:   / /