Một số kết quả chủ yếu sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thứ Ba, ngày 18 tháng 6 năm 2024 - 21:44 Đã xem: 3300

Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/8/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị và đạt được những kết quả tích cực. Đến nay Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, công tác bảo hiểm y tế được khẳng định có vai trò quan trọng trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân; góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Xác định bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về bảo hiểm y tế; trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế và lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân đến cán bộ, đảng viên, người lao động và Nhân dân trong tỉnh; coi đây là nhiệm vụ chính trị và là một trong những nội dung quan trọng trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  

Sau 15 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của bảo hiểm y tế trong việc đảm bảo an sinh xã hội, công bằng trong chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; về chính sách pháp luật bảo hiểm y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực; xác định việc tham gia bảo hiểm y tế vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi để đảm bảo an sinh xã hội, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện các chính sách về bảo hiểm y tế của Trung ương: thực hiện cấp đầy đủ ngân sách nhà nước để mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi…), hỗ trợ đầy đủ mức đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế (hộ gia đình cận nghèo, học sinh sinh viên, người thuộc hộ gia đình nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình…) theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế… Đồng thời, thực hiện một số chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh: cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ 10% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế và sử dụng nguồn từ Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và Đồng bằng Sông Hồng để hỗ trợ 20% mệnh giá thẻ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng hộ cận nghèo; thực hiện hỗ trợ 30% mức đóng cho học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình... từ nguồn ngân sách Trung ương theo quy định, góp phần giảm bớt khó khăn cho một số nhóm đối tượng khi tham gia bảo hiểm y tế. Việc thực hiện chính sách trên đã giúp các hộ gia đình tiếp cận các dịch vụ y tế, góp phần giảm số hộ nghèo và cận nghèo do thiếu hụt về tiêu chí y tế theo quy định của chuẩn nghèo đa chiều. Qua đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng qua các năm, lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân cơ bản đạt kế hoạch đề ra, cụ thể: Năm 2009, số người tham gia bảo hiểm y tế là 380.641 người (chiếm 52,32% dân số); năm 2014 có 672.915 người tham gia (chiếm 89,36 % dân số); năm 2020 có 744.758 người tham gia (chiếm 94,8% dân số); năm 2023 có 778.137 người tham gia (chiếm 95,8% dân số, trong đó bảo hiểm y tế hộ gia đình chiếm 14,7%), đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế và quản lý Quỹ bảo hiểm y tế được quan tâm thực hiện. Bộ máy quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế được thực hiện đảm bảo theo Luật Bảo hiểm y tế và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia, không có hiện tượng tiêu cực trong quản lý quỹ; mức thu, đối tượng được thu đảm bảo đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Thực hiện nghiêm túc công tác giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hoạt động phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện công tác bảo hiểm y tế được tăng cường thực hiện.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế và Quỹ bảo hiểm y tế được đẩy mạnh. Ngành Bảo hiểm xã hội đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin từ tỉnh đến huyện, thành phố, nâng cấp các phần mềm và kết nối, chia sẻ dữ liệu tập trung tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, triển khai cấp thẻ theo mã số bảo hiểm xã hội, theo đó hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ được cập nhật và quản lý theo mã số thống nhất để xác định thời điểm thẻ có giá trị sử dụng, thời điểm người tham gia đủ 05 năm liên tục, các quy trình được xây dựng trên cơ sở dữ liệu tập trung, lấy dữ liệu hộ gia đình làm trung tâm và kết nối liên thông với dữ liệu đóng, hưởng bảo hiểm y tế, qua đó đã hạn chế tối đa việc cấp trùng thẻ, cấp thẻ bảo hiểm y tế không đúng quy định; triển khai giám định và thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với 100% các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên phần mềm của hệ thống; phối hợp với Công an tỉnh triển khai thực hiện việc xác thực thông tin công dân, sử dụng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; triển khai Ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, cung cấp cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các thông tin, tiện ích, thực hiện các dịch vụ công tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng; giúp người tham gia bảo hiểm y tế chủ động quản lý các thông tin khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của bản thân và trực tiếp giám sát để đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế, đảm bảo sự công khai, minh bạch của các cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách…

Chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được nâng cao. Mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh được thành lập và củng cố từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh hiện có: 05 bệnh viện tuyến tỉnh, 06 trung tâm y tế huyện 2 chức năng, 09 Phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc Trung tâm Y tế huyện, 03 bệnh viện đa khoa khu vực huyện với 3.530 giường bệnh; 02 bệnh viện tư nhân (với 649 giường bệnh), 14 phòng khám đa khoa, trên 150 phòng khám chuyên khoa và gần 40 cơ sở dịch vụ y tế ngoài công lập; 117/138 trạm Y tế xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; có 165 cơ sở ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (trong đó, có 129 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 09 phòng khám đa khoa khu vực; 7 Trung tâm y tế huyện, 03 bệnh viện đa khoa khu vực; 05 bệnh viện tuyến tỉnh; 10 phòng khám đa khoa tư nhân; 02 bệnh viện đa khoa tư nhân). Việc thực hiện chính sách “thông tuyến” đảm bảo theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Số lượt khám chữa bệnh cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, kinh phí chi cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh tăng qua các năm: Năm 2009: khám 935.877 lượt (điều trị nội trú 49.660 lượt, điều trị ngoại trú 886.217 lượt), tổng kinh phí chi cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: 113.185 tỷ đồng. Năm 2014: khám 935.877 lượt (điều trị nội trú 94.980 lượt, điều trị ngoại trú 1.262.243 lượt), tổng kinh phí chi cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: 260.180 tỷ đồng. Năm 2019: khám 1.562.417 lượt (điều trị nội trú 142.106 lượt, điều trị ngoại trú 1.420.311 lượt). Năm 2023: khám 1.521.132 lượt (điều trị nội trú 167.418 lượt, điều trị ngoại trú 1.353.714 lượt), tổng kinh phí chi cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: 848.425 tỷ đồng.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được về công tác bảo hiểm y tế trong những năm qua, thời gian tới tỉnh Tuyên Quang xác định tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm y tế để mọi người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế và quản lý Quỹ bảo hiểm y tế; trọng tâm là: phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; bảo đảm kịp thời, đầy đủ chế độ, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm y tế, chú ý các loại hình dựa vào cộng đồng; tạo nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, viện trợ, các quỹ từ thiện, quỹ cộng đồng, quỹ xoá đói giảm nghèo... để trợ giúp cho người nghèo, người sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tham gia các loại hình bảo hiểm y tế phù hợp… Qua đó, góp phần làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Phương Linh

Xem tin theo ngày:   / /