Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam với sự hy sinh, cống hiến to lớn của các thương binh, liệt sỹ, người có công cho đất nước

Thứ Sáu, ngày 26 tháng 7 năm 2024 - 18:28 Đã xem: 747

Chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã bị thương hoặc hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần quật cường, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh, cống hiến xương máu, sức lực trên các chiến trường.

Ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Từ tháng 7/ 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh, Liệt sỹ của cả nước. Mỗi năm, cứ đến Ngày Thương binh, Liệt sỹ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. 

Trên toàn quốc đến nay, đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: gần 9.000 người; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người; liệt sỹ: gần 1,2 triệu người; thân nhân liệt sỹ gần 500.000 người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 117.000 người; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người; Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 600.000 người; thương binh loại B: trên 40.000 người; bệnh binh: gần 185.000 người; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người; người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: gần 4,1 triệu người. Hiện cả nước có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; qua rà soát, người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước [1].

Những quan điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sỹ đã được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và hiện tại được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, thực hiện thống nhất trong cả nước. Các chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước năm 1986 đến nay đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và ngày càng được mở rộng về đối tượng, bao phủ hầu hết các mặt của đời sống.  Năm 2020, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 và số 04/2012/UBTVQH13, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 với nhiều điểm mới, hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng đã tạo điều kiện để người có công nỗ lực vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào công tác "Đền ơn đáp nghĩa".

Đối với mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, từ năm 1994 đến nay, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh gắn liền với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi người có công năm 2012 là 1.110.000 đồng; từ năm 2019, mức chuẩn là 1.624.000 đồng, cao hơn mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng của cán bộ, công chức.

Ngày 01/ 7 /2024, chính phủ có nghị định số: 77/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021, qui định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ. Theo đó, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng, tăng 35,7%, cao hơn 5,7% so với mức tăng lương 30% của công chức; giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể tiếp tục quan tâm thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người có công, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chỉ thị số 14 ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 42 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, để người có công, thương binh, thân nhân liệt sĩ, các gia đình chính sách luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau [2].

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tổ chức các hoạt động dâng hương tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ; gặp mặt, thăm chăm sóc Mẹ Việt nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024).

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, thực hiện đầy đủ chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, thực sự đã trở thành động lực vật chất, tinh thần để vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách, làm chủ cuộc sống. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh và văn minh.

Đỗ Hồng Thanh

1.  Ban Tuyên giáo trung ương; Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022); Tuyên giáo, tạp chí của Ban Tuyên giáo trung ương, 12/7/2022.

2. Bình Nhi; Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu; Báo điện tử đại biểu nhân dân, tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri, 22/7/2024.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 2461 | Trang: 1 trên tổng số 247 trang  
Xem tin theo ngày:   / /