Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề

Chủ nhật, ngày 13 tháng 12 năm 2020 - 20:52 Đã xem: 360

Xác định công tác đào tạo nghề cho người lao động là khâu quan trọng nhằm từng bước nâng cao chất lượng lao động, trong những năm qua tỉnh đã ban hành và cụ thể hóa thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Người học được quan tâm hỗ trợ các điều kiện học tập, đội ngũ giáo viên dạy nghề được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và được hỗ trợ kinh phí, cơ sở đào tạo nghề được đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ tốt hơn cho công tác dạy nghề.

Nếu như năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh chỉ đạt 30,5%, trong đó đào tạo nghề chỉ đạt 17,2% thì đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng lên 60%, trong đó lao động đã qua đào tạo nghề đạt 37%. Chính sách đối với người học, người dạy và chính sách đối với cơ sở đào tạo nghề cũng được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ.

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức lớp dạy nghề trồng nấm
cho nông dân thành phố Tuyên Quang.   Ảnh: K.T

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách dạy những ngành nghề phù hợp với lao động nông thôn. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 30.000 lao động nông thôn. UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định quy định danh mục nghề, mức chi phí đào tạo nghề và mức hỗ trợ chi phí học nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, mức hỗ trợ chi phí đào tạo từ 450.000 đồng đến 1.950.000 đồng/người/khóa. Tùy từng đối tượng và thời gian, ngành nghề đào tạo có mức hỗ trợ khác nhau. Ngoài ra những người học thuộc các đối tượng ưu đãi như hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, lao động nữ bị mất việc làm… còn được hỗ trợ chi phí ăn và đi lại. Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đã có trên 39.000 người được hỗ trợ học nghề. Trong đó, số lao động có được việc làm đúng nghề sau đào tạo chiếm gần 80%.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, một số cơ sở đào tạo nghề còn triển khai các chính sách miễn giảm học phí cho người học nghề. Theo đồng chí Hà Đức Tiệp, Trưởng khoa Dân tộc nội trú công tác học sinh, sinh viên, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, hàng năm nhà trường đã làm tốt công tác rà soát các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để hỗ trợ đúng quy định. Năm học 2019 - 2020 và kỳ I năm học 2020 - 2021, nhà trường đã hỗ trợ miễn giảm học phí cho 2.091 học sinh, sinh viên học nghề và hỗ trợ và chính sách nội trú đối với 1.234 học sinh, sinh viên.

Chính sách đối với giáo viên dạy nghề cũng được điều chỉnh nhằm khuyến khích giáo viên tham gia dạy nghề. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ phụ cấp lưu động hệ số 0,2% so với mức lương tối thiểu đối với giáo viên thường xuyên phải xuống thôn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để dạy nghề. Giáo viên dạy nghề cũng được hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng dạy nghề, tư vấn chọn nghề, kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 351 giáo viên dạy nghề được hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng đào tạo nghề.

Người dân xã Bình An (Lâm Bình) được học nghề đan lát để tạo ra
các sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao thu nhập. 

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng từng bước được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất để phục vụ công tác đào tạo nghề. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 1 phân hiệu trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Đồng chí Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa cho biết, hiện nay, các phòng học, nhà xưởng của trung tâm đã đáp ứng yêu cầu dạy nghề. Toàn trung tâm có 9 giáo viên, trong đó có 4 giáo viên cơ hữu, thường xuyên xuống thôn đặc biệt khó khăn để dạy nghề được hỗ trợ phụ cấp lưu động. Ngoài ra, hàng năm, 100% giáo viên được cử đi bồi dưỡng đều được thanh toán các chế độ theo đúng quy định.

Việc triển khai các chính sách đào tạo nghề cho người lao động cũng được các ban, ngành, đoàn thể các cấp phối hợp chặt chẽ nhằm đưa các chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương đến người lao động. Điển hình là Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã bám sát kế hoạch đào tạo nghề của tỉnh hàng năm để tuyên truyền cơ chế, chính sách về đào tạo nghề đến người dân. Trong 5 năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể khác tổ chức 87 lớp đào tạo nghề cho trên 3.000 người tại các xã xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, các xã thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Việc triển khai đồng bộ các chính sách đào tạo nghề đối với người  học, người dạy và các cơ sở đào tạo nghề góp phần khích lệ, thu hút người lao động học nghề. Từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tỷ lệ người lao động được qua đào tạo nghề.

Theo Báo Tuyên Quang Online

Xem tin theo ngày:   / /