Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam

Thứ Tư, ngày 5 tháng 1 năm 2022 - 14:32 Đã xem: 3910

Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có hệ giá trị và bản sắc riêng và không bị đồng hóa bởi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Hệ giá trị và bản sắc đó đã tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Minh họa: Tất Thắng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia về chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, con người, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… thì nguồn lực văn hóa đang được nhiều quốc gia coi là một “sức mạnh mềm” quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị trí, vai trò trên trường quốc tế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu: Khẩn trương  xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới.

Đảng ta nhất quán tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn mới là quán triệt đầy đủ trong nhận thức, triển khai đồng bộ, sâu rộng trong thực tiễn cả 05 quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong đó, tập trung một số quan điểm sau:

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, cần cù, nhân ái, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Xây dựng văn hóa trong Đảng, cơ quan Nhà nước và cả hệ thống chính trị để tạo động lực, niềm tin và lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Mục tiêu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Con người Việt Nam là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cũng chính là quá trình phát huy tối đa nhân tố con người, thực hiện chiến lược con người - khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ XHCN của chúng ta. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, phát triển bền vững đất nước. Đại hội XIII của Đảng xác định: Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Trong xây dựng con người, trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đột phá cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Để phát huy sức mạnh và giá trị văn hóa, con người Việt Nam hiện nay, trước hết, cần đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, bởi đây là cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Đồng thời, quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa đương đại phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, tiến bộ để tiếp tục gia tăng thêm cơ tầng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam và  lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ra thế giới./

N.T.B.H

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 1212 | Trang: 1 trên tổng số 122 trang  
Xem tin theo ngày:   / /